Hoa păng-xê (pensée, pansy)
11 tháng trước

Hoa Păng-xê, còn được gọi là Hoa Bướm, có tên tiếng Anh là Pansy. Hoa được gọi là hoa Bướm, có lẽ vì cánh hoa nhiều màu sắc, mỏng mượt như nhung và có hình dạng như con bướm đang đậu trên cành. Tên Păng-xê có nguồn gốc từ "Pensée" trong tiếng Pháp (sự tơ tưởng, nhớ nhung). Vì thế, hoa còn có tên là Hoa tương tư.

Tên Latin của Păng-xê là Violatricolor có nghĩa là hoa có 3 màu (tricolor) thuộc họ hoa tím Violet (Viola). Mỗi bông hoa có 3 màu là một tổ hợp ngẫu nhiên của các màu sắc tím, đỏ, vàng, đen, xanh, trắng, cam, nâu để tạo nên nhiều giống hoa với những màu sắc lạ, rất hấp dẫn.

Hoa Păng-xê là cây thân thảo 1-2 năm, cao khoảng 30cm, gồm nhiều phân nhánh. Hoa đơn lẻ mọc trên cuống hoa, hoa to, cánh hoa hơi tròn, nhiều màu sắc đa dạng và tương phản nhau. Hoa thường có 5 cánh, 2 cánh trên cùng mọc xếp chồng lên nhau hướng lên trên, 2 cánh tiếp theo hướng sang 2 bên và 1 cánh hướng xuống dưới. Cây ưa thích khí hậu mát và ẩm, ánh sáng tự nhiên, hơi chịu nóng. 

Tên gọi và ý nghĩa

Hoa Păng-xê là một loài có rất nhiều tên gọi, mỗi tên gọi lại có một ý nghĩa khác nhau. Nó cũng mang bên mình nhiều truyền thuyết vô cùng thú vị.

Hoa Păng-xê có một cái tên rất gợi tình là "Heartsease", bởi vì người ta tin rằng những cánh hoa hình trái tim này có phép màu tình yêu kỳ diệu, có thể chữa lành những trái tim tan vỡ, an ủi những nỗi đau tình yêu, và nhất là, nếu bạn luôn giữ chúng bên mình thì bạn sẽ chắc chắn nhận được tình yêu của người mình yêu.

Păng-xê là một bông hoa tình yêu làm người ta liên tưởng đến thánh Valentine. Nước Anh thời Victoria hoa Păng-xê là biểu tượng cho lời nhắn nhủ thương nhớ “Thinking of you”. Păng-xê là một thành phần trong "Bùa Yêu" của người Celt ở Anh. Chính Shakespeare cũng đã đưa ý tưởng này vào trong vở kịch nổi tiếng "Giấc Mộng Đêm Hè" - với vài giọt nước cốt hoa Păng-xê nhỏ lên mắt khi say ngủ, Titania đã yêu "sinh vật đầu tiên mà nàng nhìn thấy". Cũng tại Anh, hoa Păng-xê còn có một tên gọi khác là “Love in idleness” để ám chỉ hình ảnh của một người yêu có rất ít hoặckhông có việc làm nào khác ngoài việc nghĩ về người yêu của mình.

Lại có một  truyền thuyết cho rằng, Pensée là tên một sứ thần có tư duy sâu sắc và có cách ứng xử tế nhị. Ngày nay, người đàn ông nào tặng hoa Păng-xê cho một phụ nữ là có ý khẳng định tình cảm và hy vọng của mình. Còn người phụ nữ nào nhận hoa Păng-xê thì điều cô ấy muốn nói là: "Tôi đang trong sự mong chờ về một điều gì đó".

Giải thích về màu sắc của hoa, thì có truyền thuyết cho rằng Păng-xê vốn dĩ là một bông hoa màu trắng, và mũi tên của Thần Tình Ái Cupid đã bắn vào hoa và tạo cho hoa có nhiều màu sắc rực rỡ.

 

Tại miền quê Nước Pháp, Păng-xê được gọi là hoa của Chúa Ba ngôi (Trinity herb). Có người giải thích rằng do ở mỗi hoa mang đủ 3 màu là biểu tượng cho Ba Ngôi của Thiên Chúa, nhưng cũng có truyền thuyết khác kể rằng: Ngày xưa nàng Hoa Pensée có mùi thơm ngọt ngào hơn là người chị, nàng Violette, và vẻ đẹp nhiều màu của hoa cũng hơn hẳn màu tím hơi u buồn vủa nàng Violette nên hoa được quá nhiều người ưa thích, hái thật sớm trước khi kịp nở. Nàng Pensée buồn cho số phận nên đã xin Chúa Ba ngôi thương xót, nàng xin được mất đi mùi thơm để ít bị người quấy rầy. Và Chúa đã chấp nhận lời cầu, nên hoa được gọi là hoa của Chúa Ba ngôi.

Tương tự, ở Đức cũng có một truyền thuyết giải thích về mùi hương của Păng-xê. Theo đó, ngày xưa Păng-xê có mùi hương thơm ngào ngạt. Người ta kéo nhau đi từ hàng dặm xa đến chỉ để được ngửi mùi hương đó. Nhưng chính vì vậy mà lớp cỏ xung quanh bị giẫm nát, tàn phá. Păng-xê cầu xin Chúa giúp đỡ những ngọn cỏ mong manh đó. Thế là, từ đó, Chúa lấy đi hương thơm của Pansy, nhưng bù lại cho nó một vẻ đẹp tuyệt vời.

Công dụng

Hoa Păng-xê được đưa từ Pháp vào nước ta hồi đầu thế kỷ XX và đã thích nghi với một số nơi như Sapa, Ba Vì, Tam Đảo và các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, Đà Lạt với điều kiện khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hòa đã được coi là quê hương thứ hai của loài hoa này. Ở Đà Lạt hoa Păng-xê gần như có quanh năm, nhưng đẹp nhất là vào những tháng mùa khô, trời nắng hanh, se lạnh. Du khách hay gặp Păng-xê ở vườn Bích Câu, thác Prenn, thung lũng Tình Yêu  nhưng trước đó nó được trồng nhiều ở trạm khí tượng và khảo cứu nông nghiệp Dankir, khách sạn Palace và Trường Lycée Yersin. Lứa tuổi "mực tím" cũng rất thích loài hoa này, hay ép hoa Păng-xê vào trong sách vở, lưu bút và vì thế ở Đà Lạt hoa Păng-xê còn có tên là hoa học trò.

Cây Păng-xê dễ ươm trồng, dễ chăm sóc, dùng để làm cảnh, rất thích hợp cho trang trí nội thất, văn phòng, cửa hàng, phòng khách… hoặc trồng thành khóm hoa sân vườn hay trong vườn hoa.

Hoa Păng-xê cũng là một trong số ít loài hoa có thể ăn được. Do đó, hoa không chỉ được sử dụng để trang trí món ăn mà còn được dùng như một thành phần chính trong các món salad.

Hiện nay, người ta còn sử dụng hoa Păng-xê khô để trang trí trên các thiệp handmade vì hoa có cánh hoa mỏng và vẫn tươi màu sau khi làm khô.

Trong y học

Cây Păng-xê (cả cây và hoa) được xem là một vị thuốc tại Châu Âu và được ghi chính thức trong Ph.Eur (Chế dược thư của Âu châu) dưới tên Violae herba cum flore.

Trong Y- dược dân gian :

  • Păng-xê được cho là có đặc tính xoa dịu, tẩy sạch và chống sưng, dùng rất công hiệu để trị những bệnh ngoài da như eczema, psoriasis và mụn trứng cá. Cây thưởng dùng trong các trường hợp lở chóc nơi đầu và lở ngứa của trẻ sơ sinh.
  • Hoa có chứa những chất nhày, giúp xoa dịu các cơn ho, khò khè do xuyễn.
  • Hoa cũng giúp chống sưng trong các trường hợp thấp khớp và gout, giúp hạ huyết áp và cholesterol.
  • Hoa còn có tác dụng lọc máu, nhuận tràng.

Theo một nghiên cứu tại Khoa Dược liệu, ĐH Uppsala, Trung Tâm Y Sinh học, Uppsala (Thụy Điển) thì một số cyclotides chiết từ hoa Păng-xê, được đặt tên là Vitri A, Vitri A varv A và Vitri varv E… có hoạt tính gây độc, diệt được các tế bào ung thư khi thử trên các dòng tế bào ung thư nơi người U-937 GTB (lymphoma) và RPMI-8226/s (myeloma). Liều IC50 của Vitri A là 0.6 microM (Journal of Natural Products Số 67-2004).

Thúy Nguyễn tổng hợp

http://datvietflower.com

Tin tức mới

Scroll
.