Thác Pongour là một ngọn thác nổi tiếng đẹp mơ màng, hùng vĩ, hoang dã nhất của Nam Tây Nguyên. Do đó, nếu đến Đà Lạt du khách nên một lần ghé qua thác Pongour.
Thác Pongour hùng vĩ - Ảnh: Sưu tầm
Thác Pongour thuộc huyện Đức Trọng, cách huyện lỵ 20km và xa trung tâm thành phố Đà Lạt 50 km. Trên quốc lộ 20 Đà Lạt - Sài Gòn, đến xóm Trung (phía núi Chai) rẽ về phía tay phải đi một quãng đường đất dài độ 8 km du khách sẽ đến được thác Pongour mà người dân địa phương gọi là thác Bảy Tầng hay là thác Thiên Thai.
Một góc nhỏ của thác Pongour - Ảnh: Sưu tầm
Về tên gọi Pongour có giả thuyết cho rằng Pongour là do tên người Pháp phiên âm từ tiếng dân tộc bản địa (Kho: Pon - gou (với nghĩa là ông chủ vùng đất sét trắng). Qua một số tài liệu địa chất học của người Pháp, vùng này có nhiều kaolin. Như vậy, Pongour có nghĩa là ông chủ hay ông vua xứ Kaolin.
Hay như giả thuyết từ truyền thuyết: Ngày xưa, vùng đất Phú Hội - Tân Hội - Tân Thành bây giờ do một nữ tù trưởng K’Ho xinh đẹp tên là Kanai cai quản. Nàng có tài chinh phục thú dữ phục vụ lợi ích con người, trong đó có bốn con tê giác to lớn khác thường, luôn tuân lệnh Kanai dời non ngăn suối, khai phá nương rẫy trồng bắp, gieo lúa và sẵn sàng xung trận chiến đấu chống kẻ thù, bảo vệ buôn làng.
Nhờ đó, cuộc sống cộng đồng ngày càng sung túc, thanh bình. Mùa xuân năm ấy, đúng ngày rằm tháng giêng, nàng nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Bốn con tê giác quanh quẩn đêm ngày không rời thân chủ nửa bước, chẳng buồn ăn uống cho đến chết...
Bỗng một sáng bình minh vừa hé, mọi người hết sức ngạc nhiên khi thấy nơi nàng yên nghỉ sừng sững ngọn thác đẹp tuyệt trần. Thì ra, suối tóc Kanai đã hoá thành làn nước trong xanh, mát rượi, tung bọt trắng xoá, còn những phiến đá bàn xanh rêu xếp từ cao xuống thấp, làm nền cho thác đổ, chính là các cặp sừng của đàn tê giác hoá thạch - biểu tượng của sức mạnh đoàn kết, gắn bó vĩnh cửu giữa con người với thiên nhiên bao la.
Hằng năm cứ vào dịp rằm tháng giêng âm lịch lại có ngày hội cho nam thanh nữ tú - Ảnh: Sưu tầm
Pongour là thác nước duy nhất có ngày hội. Hằng năm cứ vào dịp rằm tháng giêng âm lịch, từ khắp nơi các nam thanh nữ tú không phân biệt dân tộc đổ về đây trẩy hội mùa Xuân. Đây là dịp mà mọi người sống cởi mở, chân tình, tự do tìm hiểu và yêu mến nhau.
Tục truyền rằng: những ai không thành thật, không chung thủy, những kẻ bất tín, bội thề đã đến thác Pongour, thì ít khi được trở về; nàng Ka Nai nổi giận, do đó sai Yàng Pongour giữ lại những ai thuộc diện người nói trên tại dòng thác Pongour để nàng dạy cho họ những bài học về con người ...
Có người không dám đến Pongour là vì thế. Nhưng đến Đà Lạt mà không đến thăm Pongour thì cũng như chưa đến Đà Lạt, chưa thấy được vẻ mơ màng hoang dã của Nam Tây Nguyên. Và những ai trong sáng thì có ngại gì.
Thác Pongour mùa nước lũ hung dữ khác hẳn với vẻ ngày thường - Ảnh: Sưu tầm
Khung cảnh thiên nhiên nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét hoang sơ. Bao quanh thác là khu rừng nguyên sinh có diện tích khoảng 2,5 ha với thảm thực vật đa dạng, phong phú. Nơi đây còn rất nhiều cây cổ thụ, muông thú sinh sống. Thấp thoáng đâu đó bạn có thể bắt gặp những giỏ lan rừng đẹp mắt.
Du khách tới thác mỗi năm một đông - Ảnh: Sưu tầm
Những năm gần đây du khách đến trẩy hội Pongour ngày càng nhiều và thật vui mừng là hàng ngàn du khách lên Đà Lạt đến thăm Pongour đều bình an trở về. Phải chăng Yàng Pongour đã thẩm định đích xác lòng người?
Thác Pongour Đà Lạt là con thác hùng vĩ bậc nhất Tây Nguyên - Ảnh: Sưu tầm
Thác Pongour Đà Lạt là một bức tranh phong cảnh tuyệt mĩ mà thiên nhiên đã ban tặng cho núi rừng Tây nguyên. Hãy cùng với Mytour đến thăm thác để có dịp hòa mình vào không gian tuyệt vời ở đây, vừa có dịp ngoạn cảnh hùng vỹ của thác nước núi rừng, vừa có cơ hội để nghe và biết nhiều hơn về bao điều thi vị ẩn chứa nơi con thác từng được đánh giá là “hùng vỹ nhất Đông Dương” này.
Nguồn My tour
DANH MỤC TIN
Sản phẩm nổi bật
Sản phẩm Giảm giá
Sản phẩm mới
Tin tức mới