Dalat, tình tôi _ (tạ thị bích thủy)
11 tháng trước

     My thức dậy khi trời chưa sáng và nàng nằm hoài trong chăn. Tháng này trời Dalat bắt đầu nổi gió và sương mù lất phất bay. Cái thú của My là nằm trong chăn và nghe tiếng lao xao ngoài kia, tiếng thông reo cao ngút mắt và cô đơn. Bỗng nhiên, My nghĩ đến Huân và tự hỏi giờ này anh đang làm gì. My nhớ cách đây 4 năm, khi còn là SVSQ, tuần nào Huân cũng ghé nhà ba mẹ nàng chơi, anh kê tủ đứng My hoài, và vẫn thường gọi My là cô bé. My ghét ghê và trả đũa ngay:

     - Anh gọi ai là cô bé thế hở? My lớn rồi nghe.

     Huân cười.

     - My lớn với ai, chứ với anh, My còn nhỏ lắm, như con nít vậy.

     Giữa cái tuổi nhập nhằng nửa lớn nửa bé, My đã hờn dỗi và giận Huân cả tháng. Rồi những cánh thư gửi về với lời xin lỗi. Thời gian qua, tâm hồn My bỗng cảm thấy xao động, như một cánh chim lơ lửng giữa trời, bồng bềnh như người đi biển say sóng trên những dòng chữ của Huân. My trở nên tư lự. Sự yên tĩnh của thiên nhiên tạo vật, của thế giới con người chung quanh khiến My dễ chịu. Đó có phải là dấu hiệu của tình yêu? My không biết, nhưng mơ hồ cảm nhận có những lúc mình không ra vui, chẳng hẳn buồn mà chỉ mênh mang một nỗi lòng dịu nhẹ.

     Kỳ thi Lục-Cá-Nguyệt, nhà trường xếp học sinh hai chương trình Pháp-Việt ngồi xen kẽ nhau. Trước giờ thi chừng nửa tiếng, một nữ sinh trẻ hơn, dưới My chừng 1, 2 lớp hỏi:

     - Chị theo ban Việt, chắc biết chị My?

     Nghe nhắc đến tên mình, nhưng vì khuynh hướng tò mò, My làm ra vẻ tự nhiên và hỏi lại:

     -Chị không biết, chị ấy làm sao hở em?

     Cô nữ sinh lớp Pháp ngạc nhiên:

     - Chị học Việt văn mà không biết chị ấy à. Em nghe nói chị ấy học giỏi lắm, đẹp nhưng hay đi một mình.

     My vui thầm với ý nghĩ vừa khám phá từ người khác. Phải rồi. Bạn bè thường bảo My đẹp nhưng kiêu ngầm. Thầy khen văn chương My bay bướm, hay như văn một nữ sĩ và phân tích hiện tượng thích đi một mình của My là “La solitude du génie”. Những buổi sáng hàng ngày trong tuần, My vẫn đi bộ đến trường. Từ ngày theo ban, My đã xin phép các Mère cho My được mặc áo dài. My thích chiếc áo dài lắm. Trông vừa nhã nhặn, đài các một cách khiêm cung. Ba năm sau cùng của chương trình Đệ-nhị-cấp, My trong chiếc áo dài giữa hai hàng thông. Con đường rợp bóng mát xôn xao trong gió và nắng chiều.

     Dù My vẫn biết có những đôi mắt nhìn qua cửa kính, theo phản ứng tự nhiên của các nữ sinh chờ giáo sư đến lớp, My cũng chẳng màng. Bà Bá-tước De Noailles đã chẳng nói: “Nous ne trouverons jamais notre âme de ce soir” hay sao.

     Ý nghĩ My sẽ rời trường một ngày không xa chỉ làm My khẳng định cung cách sống của mình. Có gì phản tự nhiên với tình yêu thiên nhiên? Lời khen chê, lòng yêu ghét biến thiên như tiết trời, như thủy triều lên xuống, như hôm qua và ngày mai; không nghĩa lý gì. My yêu khung cảnh quen thuộc của mái trường xưa, của áo chùng đen các nữ tu. My đã sống trọn vẹn cả một tuổi thơ, tuổi đẹp nhất của một đời người ở đó, như một huyền thoại. Cảm nghĩ về Huân chỉ tạo cho My một nhận thức buồn rầu. Có gì bảo đảm cho một tình yêu giữa thời buổi nhiễu nhương, chinh chiến. Và đối với My, tình yêu là gì, nếu không chỉ là những suy nghĩ vật vờ, hư ảo. Tình yêu nếu muốn bảo tồn phải được lưu trữ trong toà nhà hôn nhân; bởi nếu không, tình yêu sẽ mong manh như nắng như mây. My đã sống những ngày óng ả hư thực như thế cho đến một ngày; khi thực tại gõ cửa, trả lại cho My cả một nỗi sững sờ.

     Anh đã chết rồi phải không. Chết là gì nhỉ. Tại sao cái từ ấy khiến con người ai cũng lo sợ. Em không hiểu thế nào là đau khổ nhưng thực sự tin anh mất làm em bàng hoàng. Em có kể cho anh nghe là em có khiếu về Triết. Khoái-Lạc và Đau-Khổ hết hôn với nhau, và có tương quan ảnh hưởng trong sinh hoạt tâm thức con người. Cái chết của anh cũng có nghĩa là từ nay về sau, em không còn nhận được những tờ thư của anh kể về cuộc sống quân ngũ, những thử thách nhọc nhằn và vẻ kiêu hùng óng ánh trên những cánh hoa mai.

     Em có một cô bạn đã khóc ngất khi được tin người yêu mất, đăng trong mục cáo phó của một tờ báo. Lúc ấy, em là một kẻ bàng quan, quan sát với một vẻ lãnh đạm đến độ thản nhiên trước nỗi đau khổ của một người bạn. Tại sao lại phải khóc đến dường ấy? Sự bộc lộ tình cảm mãnh liệt có xác định được tính cách của tình yêu không? Hay một ngày nào sau này trong đời sẽ lại qua và mau chóng quên đi những giọt nước mắt ngày cũ để hân hoan đón nhân một tình yêu khác. Đó mới là sự mỉa mai của hôm qua và ngày mai. Và điều đó sẽ còn lại gì?

     Em vẫn thích đi môt mình; từ thưở đi học, từ dạo có anh và từ khi mất anh. Em vốn không thích tỉ tê tâm sự và cũng chẳng có gì để kể lể cho bạn bè. Sự suy nghĩ nằm trong tư tưởng, mỗi lúc một khác hơn, chín chắn hơn và hoàn hảo hơn. Đó cũng là một điều mà anh cảm mến em, phải không? Vì em còn nhớ anh có nói với em điều đó. Em có những điều mà ở người phụ nữ khác không có. Nhưng bây giờ thì mọi sự đã khác đi rồi. Anh không còn trở về có nghĩa là anh đã bỏ cuộc, anh đã thua trong một trận chiến chưa ngã ngũ và không có ngày kết thúc.

     Chiến tranh triền miên. Nước mắt còn nhỏ xuống cho đến  bao giờ. Xa vắng khi em thiếu anh và trống vắng khi em mất anh. Anh đã trở về với cát bụi đồng nghĩa anh với hư không. Ý nghĩ em đã đến với anh và rồi, em sẽ xa anh. Quay lưng với quá khứ không có nghĩa là quên. Con người phải nhận chân hiện tại. Không gì bằng, nhìn thẳng vào lòng mình để nhận ra điều này:

GỌI THẦM TÊN ANH TRONG GIÓ CHIỀU
TRỜI BUỒN U ÁM BIẾT BAO NHIÊU
THÔI CÔ QUÊN ĐI VƠI NIỀM NHỚ
DẤU MÃI TRONG LÒNG NỖI TỊCH LIÊU

Tạ thị Bích Thủy

Nguồn:dalatdauyeu

Tin tức mới

Scroll
.