Giấc mơ có hoa hồng dại _ (đinh lê vũ)
11 tháng trước

     1. Giữa năm, bỗng dưng được nghỉ lễ bốn ngày liên tiếp, anh quyết định lên Đà Lạt thăm cô. Bên cạnh nguyên nhân chính là anh muốn trốn cái nóng chớm hè của thành phố mình đang sống, muốn thay đổi không khí một chút, còn có một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng nữa: anh muốn được nhìn thấy cô, được nghe cô nói chuyện, cũng khá lâu rồi anh và cô không gặp nhau. Cô chỉ là bạn, một người bạn rất thân của anh đã hơn mười năm rồi, mà nhiều người, cả anh nữa, có lúc đã hoài nghi làm sao có được tình bạn trong sáng như thế, tinh khiết như thế giữa một người nam và một người nữ trong khoảng thời gian dài đến vậy.

     Đón anh và chở anh lên Đà Lạt là một đứa học trò cũ của cô, gọi là học trò cũ của cô nhưng bây giờ nhìn Việt cũng ngang ngửa cô rồi, đen sạm, râu ria xồm xoàng. Việt đang là tài xế xe du lịch tuyến Đà Nẵng – Đà Lạt. Anh lên xe, ngồi kế ngay sau ghế tài xế của Việt, lơ đãng ngắm phong cảnh hai bên đường đi, thỉnh thoảng nghe Việt hỏi chuyện và ừ hử trả lời. –"Anh là bạn của cô em hả ?". –"Ừ". –"Hồi nào giờ, không thấy cô em có bạn trai.". –"Vậy hả?". –"Cô em dặn di dặn lại là phải đón anh. Cô em nói anh không biết nhà cô. Cô em chu đáo quá anh héng?". Anh thấy buồn cười trước kiểu nói chuyện lém lỉnh của Việt, dù ra đời bươn chải lâu rồi nhưng Việt vẫn có một cách nói chuyện rất học trò khi nhắc tới cô. –"Hạ là vậy, luôn luôn chu đáo, và rất tốt." –"Anh lên đợt này, chắc cô em mừng phải biết!". Đến nước này thì anh không thể ừ hử với Việt được nữa rồi. Anh cố làm ra vẻ không hiểu ý Việt. "Thì bạn bè lâu ngày gặp nhau, phải mừng chứ!". Việt nhăn mặt: "Anh đừng giả bộ, em biết hết cả! Anh với cô em bao giờ tính chuyện lớn đây?". Rồi không đợi anh trả lời, Việt huyên thuyên kể về ông thầy dạy toán cùng trường nào đó ngày xưa tán cô, rồi có một ông giám đốc chưa vợ nào đó cô gặp ở lớp trung tâm ngoại ngữ ban đêm... Những chuyện này anh nghe không lạ, vì có lần cô kể anh nghe rồi, chỉ thấy lạ vì qua lời Việt kể, nó mang một màu sắc khác. Anh biết, Việt rất thân với cô và lần đầu tiên, qua lời Việt kể, cảm giác khi anh nghĩ về cô bỗng dưng khác trước.

     Xe chạy đến Đơn Dương thì bị pan, phải dừng lại sửa. Đã bảy giờ tối, nếu xe chạy thông suốt thì giờ này anh đã chễm chệ ở Đà Lạt rồi. Việt bỏ mặc hai thằng bé phụ xe loay hoay giữa đống máy móc ngổn ngang, chạy đi đâu một lát, rồi quay lại cười hể hả : "Em điện thoại về cho cô Hạ rồi, không thì ở nhà, cô em lo cuống lên!" với một cái nhìn đầy ý nghĩa. Anh cười, bắt đầu thấy thiện cảm với Việt, chợt nhận ra bên trong cái vẻ bụi bặm thô nhám kia là một con người hoàn toàn khác, tình cảm, nhiệt thành. Việt trở nên gần gũi với anh biết bao nhiêu, nhờ cô. Đêm đầu tiên anh ở Đà Lạt, sương giăng đầy và se sắt lạnh, cái lạnh se sắt làm người ta rất dễ chùng lòng. Mười một giờ đêm, anh rủ cô đi dạo lòng vòng con đường quanh hồ Xuân Hương, ngắm những ánh đèn lấp lóa trên mặt nước và ánh trăng thượng tuần mảnh dẻ, bàng bạc. Anh đi bên cạnh cô, cứ nghĩ là gặp nhau sẽ nói chuyện nhiều lắm, hóa ra chẳng nói được gì, cũng chẳng biết nói gì. Anh thấy lòng bình yên, tưởng chừng có thể đi được suốt đêm như thế, cho đến khi nghe giọng cô khẽ khàng: "Mình về ngủ đi, Văn đi xe cả ngày mệt rồi.".

     2. Những tia nắng buổi sáng của Đà Lạt dường như trong trẻo hơn, mềm mại và bừng sáng hơn nắng sớm ở thành phố của anh. Anh thức dậy sau một đêm rất sâu trên căn gác gỗ dành riêng cho khách ở nhà cô bằng tiếng chim lạ anh không biết tên, nghe mơ hồ nhưng lảnh lót, tiếng người đi nghe xôn xao trên con dốc bên nhà. Cô đang làm gì đó ở ngoài vườn bước vào lúc anh vừa mới xuống nhà, mắt long lanh sương sớm, nụ cười dịu dàng như sương: "Văn ngủ được không?". Anh mỉm cười gật đầu, lòng chợt ân cần lắm. Anh bước ra, chào ba mẹ cô đang hái rau trong khu vườn nhỏ xanh mướt, vun thành luống trồng đủ các loại rau, hàng rào là những cụm hoa hồng dại. Những bông hồng dại mọc tràn lan, không ai tưới táp, chăm nom, vẫn sống, vẫn lớn lên, nở hoa, hiền lành và dung dị như bao điều dung dị nào đó không thể thiếu được trong cuộc đời này.

     Nơi đầu tiên cô đưa anh đến là một quán cà phê nằm trên đồi mà trong thư viết gởi anh, đã có lần cô kể anh nghe. Quán trồng đầy hoa trước sân nhà, có một khung cửa sổ bằng gỗ nhìn ra sân hoa và một dòng suối trong hòn non bộ giả sơn nước chảy róc rách. Cô giới thiệu một món đồ uống mới với anh, artichaut sữa, tên nghe là lạ, thật ra là một món đồ uống ngọt lừ, được pha bằng sữa khuấy trong nước trà túi lọc artichaut nóng. Cô gọi chủ quán bỏ đĩa nhạc cô thích, chỉ cho anh xem mấy loài hoa lạ chỉ có ở Đà Lạt, kể là lúc nào buồn thì cô rủ một người bạn gái đến đây, trước đây, cô ao ước được có lần dẫn anh đến đây biết bao, như là một điều một điều cô muốn chia xẻ cùng anh, rồi hỏi anh thấy thế nào. Dĩ nhiên anh chẳng thể nào nói được với cô là anh thấy thế nào bởi vì có điều rất lạ đang xảy ra trong anh, và anh đang cảm thấy choáng ngợp với điều lạ ấy. Chính lúc này, anh chỉ muốn nhìn cô, nghe cô hồn nhiên kể chuyện trường, chuyện lớp, chuyện học trò. Thỉnh thoảng, có một vài người vô quán chào cô và cười, cô giải thích là học trò cũ, hoặc là học viên mấy lớp ngoại ngữ ban đêm. Chiếc loa thùng được bài trí rất khéo ở các góc quán đang thả ra một giọng nam trầm ấm : "Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi..." Bao nhiêu năm đã qua đi, dăm ba cuộc tình không tên rồi cũng ra đi, để lại trong anh những dấu vết nhạt nhòe không rõ đường nét, chỉ còn cô vẫn ngồi đây hồn nhiên kể chuyện anh nghe, hồn nhiên lắng nghe anh nói, trong một lăng kính tình bạn trong veo. Anh bắt đầu thấy nghi ngờ chính mình, và tự hỏi cô là con gái, có lúc nào cô không thấy chắc chắn không, về tình bạn này.

     Buổi chiều, cô dẫn anh đi ngang qua Nhà thờ lớn, vòng quanh hồ Xuân Hương, ngang qua đồi Cù, chọn cảnh đẹp chụp hình để "Mai mốt Văn về khoe với mấy cô bé ở Đà Nẵng.". Cô bắt anh đứng, ngồi và cười đủ kiểu cho cô làm nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhất định không chịu để anh đáp lễ chụp hình lại cho cô, lúc thì: "Hạ ở đây từ nhỏ đến lớn, lúc nào chụp mà không được", lúc thì: "Hạ chụp hình xấu lắm, hỏng hết cảnh.". Cô luôn miệng nói là cô xấu lắm, mà anh đâu có nhận ra cô xấu chỗ nào đâu. Chỉ có khuôn mặt, dạo này cô hơi gầy và mái tóc dài quá nên hơi xơ xác. Anh cố vấn sắc đẹp cho cô: "Có khi Hạ cắt một kiểu tóc gì đó tem tém vào, làm cho tóc Hạ có cảm giác mỏng hơn một chút là khuôn mặt đầy dặn hơn ngay.". Đây là mớ kiến thức anh có được do hay đọc ké mấy tạp chí thời trang, làm đẹp của cô em gái ở nhà trong những buổi trưa không có gì đọc để ngủ. Tiếng cô cười giòn tan: "Coi bộ Văn nghiên cứu nghệ thuật làm đẹp kỹ quá!" làm hai tai anh ngượng nghịu đỏ rừ.

     Cô đưa anh ghé nhà chị bạn cô chơi. Chị Ngân, lớn hơn anh với cô chừng vài tuổi vồn vã rót nước, pha trà mời anh: "Chị ở đây nghe Hạ nhắc tới Văn hoài!", không để ý tới cái lườm mắt kín đáo của cô. Chị Ngân giành phần nói hết, liên tục tố cáo cô như thể anh là bạn trai của cô, chỉ có anh mới được vinh dự nghe những chuyện này, làm anh chẳng biết đính chính thế nào cả. Mà thật lòng, anh cũng đâu có muốn đính chính gì. Chị Ngân hào phóng khen anh dẹp trai và trẻ hơn nhiều so với tuổi, làm anh mặt đỏ bừng vì ngượng và cảm động, chợt chột dạ khi bắt gặp nét cười phụ họa gượng gạo của cô. Không dưng, câu chuyện có phần nhợt nhạt, điều anh lo nhất là đã vô tình làm cô buồn. Anh không biết là cô có thèm để ý những chuyện vụn vặt thế này rồi buồn không, nhưng quả thật, anh không muốn làm cô buồn. Chỉ biết sau đó, khi đi ăn tối cùng chị Ngân, rồi ghé một quán cà phê nhìn xuống hồ Xuân Hương xem thành phố lên đèn, anh không còn thấy sung sướng khi được chị Ngân hào phóng khen về một điều gì đó nữa. Đêm ở Đà Lạt sâu và yên tĩnh, mặt trăng hôm qua đã dần dần hiện ra rõ ràng và có đường nét hơn. Lâu lắm rồi, anh mới có được cảm giác thư thả ngồi ngắm trăng như thế này, lặng lẽ nghĩ về một điều mới mẻ đang từ từ rõ nét trong lòng. Một diều mơ hồ như là tình yêu, có phải?

     3. Ngày thứ hai ở Đà Lạt, buổi sáng, anh với cô vừa dắt xe ra khỏi nhà thì một đám học trò ùa tới. Học trò nai nịt gọn ghẽ, chỉnh tề, giỏ xách lỉnh kỉnh, hình như là chuẩn bị đi chơi xa. Học trò cô vừa nhao nhao với cô vừa liếc anh: “Trời ơi, cô đi đâu vậy, ngày hôm qua, tụi em kiếm cô muốn chết!”. Cô cười: “Cô có bạn ở xa về nên dẫn cô dẫn bạn đi chơi loanh quanh.”. Mấy đứa con gái lém lĩnh: “Bạn của cô, vậy thì tụi em kêu bằng gì hở cô?”. Cô hơi bối rối, chỉ hơi bối rối rồi cô trấn tỉnh lại ngay, tủm tỉm cười nhìn anh: “Việt lớp mình kêu bằng anh đó, còn mấy đứa muốn gọi bằng gì cũng được.”, quay sang giải thích với anh: “Tụi nó là học trò cũ của Hạ, học cùng lớp với Việt!”. Học trò cô mời: “Tụi em đang chuẩn bị đi chơi thác, mời cô đi với tụi em.”. Nhìn mấy cô trò đùa với nhau, anh thấy vui vui, buột miệng: “Cho anh đi không?”. Một cô bé trông liếng láu nhất đám đáp trả: “Tụi em làm việc với cô em xong rồi mới mời thầy. Cô cho thầy em đi không cô?” rồi dúi vào lưng nhau cười rũ rượi. Cô nói chống chế: “Ừ, mấy em kêu bạn cô là thầy cũng được. Ngày xưa bạn cô cũng học Sư Phạm.”.

     Mười một chiếc xe chở cả thảy hai mươi hai người phóng như bay về hướng Cầu Đất. Anh chở cô đi trước, đám học trò theo sau. Cô ngồi sau lưng anh, giọng rù rì: “Ngày xưa, Hạ dạy dưới này. Có một cái thác đẹp lắm, thác Đất Làng, đường đi hơi khó một chút. Không như thác Cam Ly, thác Frenn, người ta đã làm sẵn lối đi. Văn có bao giờ đi chơi những chỗ như thế này chưa?. Anh thật thà: “Chưa.”. Cô lại tiếp: “Phải băng rừng qua mấy ngọn đồi, thông mọc xanh ngắt, đẹp lắm, lội bộ gần hai cây số, cực lắm, sợ Văn đi không nổi!”. Anh nhún vai: “Nhằm nhò gì, đi thế này mới vui!”. Anh còn muốn nói thêm là lúc này, cô có dẫn anh đến cùng trời cuối đất nào thì anh cũng theo, sá gì hai cây số đường đồi, nhưng lại sợ mình hơi buông tuồng. Anh có thể bông lơn buông tuồng với nhiều người, nhưng với cô thì chưa bao giờ, dù chỉ là những ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Như thể anh sợ lắm một điều mong manh, dễ vỡ nào đó trong tình bạn giữa anh và cô tan biết đi mất.

     Gần mười giờ thì cô trò và... anh đến Cầu Đất. Lục tục tìm chỗ gởi xe, lục tục lên đồi thông. Đồi thông vắng lặng, chỉ có gió ngan ngát và tiếng thông reo. Màu thông xanh mướt làm nắng buổi trưa như dịu đi. Dọc đường đi, Tâm, đứa học trò có vẻ như cầm đầu cả đám, mon men đi gần cô: “Tự nhiên hôm nay, em thấy cô trẻ ghê luôn!”. Cô gục gặc đầu: “À, thì ra lâu nay em chê tui già!”. Cô lúc nào cũng là cô, Tâm không biết nói gì, bẽn lẽn rồi lùi đâu mất. Đám học trò của cô lăng xăng chạy trước, la hét, đùa giỡn, tiếng cười nói lan xa cả một vùng đồi. Lúc cô kêu anh lại chỉ cho anh những đọt thông xanh mơn mởn, hát nho nhỏ cho anh nghe: “Hàng cây thắp nắng lên hai hàng...”, rồi hỏi anh là có thấy giống những ngọn nến đỏ không, chợt nghe một tiếng click nhẹ, quay lại thì thấy cả đám đang cười toe, Hưng lăm lăm máy ảnh trong tay. Cô ngượng ngập: “Đừng chụp bậy, để dành phim lát nữa xuống thác chụp.”. Hưng nheo mắt với cô: “Cái ảnh vừa rồi cũng đẹp lắm, em có chụp bậy đâu cô!”.

     Cô và trò và anh đi loanh quanh theo một con đường mòn có sẵn, một bên là vách đồi, một bên là vực hơn một tiếng đồng hồ, vẫn không thấy thác đâu cả. Chỉ nghe tiếng nước chảy, giữa trưa nắng, tiếng nước chảy gợi nên cả một thế giới mát mẻ, thỏa thê và sạch sẽ. Mặt ai nấy cũng đầy mồ hôi và bụi. Quyên thả đôi guốc cao gót vẫn cầm trên tay, buông mình xuống thảm cỏ giữa rừng thông, thở phì phò: ”Em mệt quá, không đi nổi nữa.”. Bọn con trai cũng thả xuống các túi đựng bánh mì, trái cây, nước uống, cả một thùng bia nữa, la chọc Quyên: “Tụi tui vác bao nhiêu đồ mà chưa mệt, Quyên đi tay không với đôi guốc mà mệt gì.”. Tâm hô hào: “Mình nghỉ lại đây đi, giải quyết giùm đống đồ ăn này cho đỡ nặng.”. Vậy là chưa thấy thác đâu, đã thấy ăn. Anh tha thẩn đi chụp những cảnh là lạ chung quanh thì Hảo chạy theo gọi anh về, thắc mắc: “Sao thầy không chụp cho cô em?”. Cô thì che mặt, vẫn câu nói cố hữu: “Cô chụp hình xấu lắm!”. Suốt cả buổi đi chơi thác, Hưng còn chụp lén anh với cô mấy pô ảnh nữa, chỉ lén với cô thôi chứ anh thì anh giả vờ bị chụp lén. Cô thì la: “Chụp bậy bạ không à!” trong khi anh không giấu nổi là lòng mình đang vui. Dẫu biết vui vì dược chụp hình chung với cô, điều này mà nói ra thì nghe có vẻ ngớ ngẩn lắm.

     Đến bốn giờ chiều thì về đến Đà Lạt, đi chơi thác mà không đến được thác. Sau khi ăn uống xong, mấy cô trò và anh đi tìm một lúc lâu nữa, chỉ nghe tiếng thác reo và thấy thấy dòng nước bạc trắng xóa dưới vực xa kia nhưng không tài nào xuống thác được. Ngọn thác như là một ảo ảnh dưới nắng hè, lúc ẩn lúc hiện như trêu ngươi. Suốt chặng đường về cô cứ áy náy vì không đưa anh xuống thác được, anh thì luôn mồm trấn an cô là không sao đâu, lại không nói được câu anh thật lòng đang nghĩ trong đầu là anh đang rất vui, vui vì được ở bên cô, đến được thác hay không thì đâu có gì quan trọng với anh. Chợt giật mình khi nhớ ra là cái câu định nói này nghe quen lắm, nhang nhác giống mấy câu tán tỉnh rẻ tiền trong mấy tiểu thuyết ba xu mà thỉnh thoảng người ta vẫn đem ra giễu nhau.

     4. Ngày cuối cùng của anh ở Đà Lạt trôi qua rất nhanh. Buổi chiều, cô đưa anh ra chợ mua quà, hỏi anh có cần sắm quà tặng cô bạn nào không để nghe anh ngượng nghiụ lắc đầu, cuối cùng cũng bắt anh tha về một giở xách đầy toàn trái cây và đặc sản Đà Lạt. “Đằng nào thì Văn cũng chỉ xách thêm một giở sách nữa thôi.”.

     Xe Đà Lạt - Đà Nẵng chạy sớm lắm, ba giờ sáng, cô đánh thức anh dậy đưa anh ra bến xe. Đêm, Đà Lạt vẫn nhấp nháy những ngọn đèn quanh hồ Xuân Hương và những quán ăn trong chợ Âm Phủ. Cô dúi vào tay anh một túi nylon đựng bánh mì, nước uống và chai dầu gió, một cử chỉ thân tình đến tự nhiên làm anh không dưng cảm động. Anh cứ đứng nhìn cô, không biết nói gì, nhìn cô đưa tay lên vuốt mái tóc ướt đẫm sương đêm, nao lòng khi nghe cô nói bâng quơ: “Sáng nay Hạ về sẽ đi cắt tóc.” Anh không dám nghĩ đến những điều xa xôi hơn, vì anh sắp xa cô rồi, khoảng cách giữa hai thành phố cách nhau hơn bảy trăm cây số với muôn ngàn trở ngại phát sinh, ít nhất là trong kỳ nghỉ lễ tới, nửa năm nữa, anh và cô mới có thể gặp lại nhau. Và vì không thể gần nhau, có một câu nói bập bùng nơi cửa miệng của anh cứ ngập ngừng, ngập ngừng, cho đến khi chiếc xe chở anh chạy vút đi, bỏ lại sau lưng một trời thông xanh mát lành, bình yên mà khi ra đi, anh biết mình sẽ khó lòng gặp lại.

     Xe thả xuống đèo Ngoạn Mục, cũng là lúc anh ngã đầu vào thành ghế lơ mơ ngủ. Trong giấc mơ của anh, có một căn nhà có gác gỗ nằm giữa một khu vườn rau xanh mướt, hàng rào nở đầy hoa hồng dại, những buổi sáng thức dậy nghe một tiếng chim lạ không biết tên và tiếng người đi xôn xao bên dốc. Trong giấc mơ, còn có anh, có cả cô với mái tóc mới cắt tem tém áp sát khuôn mặt đầy đặn, không hề có những chuyến xe đi xa lúc ba giờ sáng...

 Đinh Lê Vũ

Nguồn:dalatdauyeu

Tin tức mới

Scroll
.