LY CÀ PHÊ ÐEN LẠNH TRONG MƯA
BÍCH ĐÀO
Hôm nay, khi Hồng vừa đến trường, gặp một cô giáo gần cổng trường, cô giáo ấy cho biết: tuần nầy tất cả các thầy cô đều phải bắt đầu công tác xóa mù chữ cho đồng bào. Và trong danh sách ở văn phòng thì Hồng sẽ đi với một cô giáo cấp 1, dạy ở xóm Mỹ Lộc. Nghe đến đây Hồng bỗng giật mình! Lúc nầy lạnh quá trời mà xóm Mỹ Lộc lại thiếu đèn, có nhà có điện nhà không. Ðường đi tối thui, nhất là con đường lên dốc thật cao, làm bằng gỗ, bằng đá trải gập ghềnh. Trời mưa, đi đứng trơn trợt vô cùng. Mắt Hồng lại không thấy rõ trong đêm, làm sao mà đi! Hồng nghĩ miên man rồi khẽ thở dài. Nàng lặng lẽ đi vào phòng họp các thầy cô.
Trong lúc được nghỉ giải lao, theo lời giới thiệu của "anh Hiệu trưởng" thì cô giáo Phượng mới từ Di Linh đổi về, cũng chính là người sẽ cùng công tác xóa mù chữ với Hồng. Nàng từ từ đi đến Phượng, chỉ nhìn phía sau của Phượng với mái tóc cắt ngắn ôm nhẹ quanh cái gáy thon thon trăng trắng, mái tóc thật đen, thật mượt, thật bóng sẽ thấy trong phòng họp nầy không thể nào có một mái tóc thứ hai đẹp như vậy. Tự nhiên lòng Hồng lâng lâng một niềm vui đang len lén kéo đến, đời vẫn tươi mát không khô cằn héo hắt như những ngày đã qua mà tràn ngập bao niềm vui như những tháng ngày xưa cũ, Hồng cũng dạy ở trường nầy nhưng với tên là trường Bồ Ðề. Lúc ấy Hồng như một con chim non tung tăng, hớn hở trước khung cảnh mà mình biết bao yêu thích. Hồng cảm thấy vô cùng hãnh diện với công việc mình đang làm. Hồng đang sống với những hình ảnh xa cũ, đã quá xa.
Bỗng cô giáo ấy quay lại, nhìn thấy Hồng, nàng cười, nụ cười thật tươi với hai mắt đen hơi xếch. Hai con mắt nầy thường được gọi là mắt phụng, một lọai mắt đẹp của một loài chim quý. Phượng khẽ chào Hồng rồi nói ngay:
- Chào chị, lâu lắm em mới gặp lại chị!
Hồng ngạc nhiên, mắt mở to, hỏi ngay:
- Phượng đã biết mình trước đây sao?
Phượng lại cười duyên dáng:
- Em biết chị từ lâu lắm rồi, từ lúc chị còn học ở Ðại học Ðà Lạt, em cứ nhìn chị hoài, chị thật đẹp trong chiếc áo dài màu tím!
Hồng lại cười, nàng nói nho nhỏ:
- Thời đó đã quá xa rồi Phượng à. Nhưng mình cũng rất cám ơn Phượng đã nhắc lại cái tuổi tươi đẹp nhất trong mỗi con người của chúng ta.
Phượng cũng đã khẽ nói với Hồng, chỉ vừa đủ nghe:
- Ðược cùng công tác chung với chị em thích vô cùng! Chị em mình sẽ tha hồ tâm sự với nhau.
- Mình cũng vậy, mới gặp Phượng là mình đã có nhiều cảm tình, mình rất thích được công tác chung với Phượng.
- Tối nay, Phượng sẽ đến chị, hai chị em mình cùng đi, chị nhớ phải mặc thật ấm vào.
---------------
Tối hôm ấy trời mưa thật lớn, nước mưa xối xả như thác đổ, Hồng đã ráng cho cả nhà ăn cơm sớm, bây giờ nàng chỉ ngồi chờ Phượng đến để cùng đi dạy học. Nước mưa vẫn tiếp tục rơi xuống chạm vào mặt cửa kính rồi từ từ chảy dài dài xuống làm cho mặt kính như bị phủ khói mờ không còn thấy rõ những gì ở bên ngoài. Nhưng khi bất chợt nhìn qua cửa kính mờ ảo đó, nàng đã nhận ra một nụ cười hình như đã thân quen dù chỉ một lần gặp gỡ và một cặp mắt xếch đen, trông thật lạ lùng, trông thật lém lỉnh thật dễ thương. Nàng vừa mở cửa ra thì Phượng đã tươi cười bước vào, các con Hồng vòng tay cúi đầu chào Phượng.
Phượng nói nhanh với Hồng:
- Ðây là cái dù của ông cụ em, rất rộng rất chắc, hai chị em mình đi chung cho ấm, mình phải vịn vào nhau mà đi mới được.
Rồi cả hai bước vội dưới cơn mưa tầm tã. Tiếng mưa rơi lộp bộp ngân vang trên chiếc dù vải đen, cả hai cùng muốn nói với nhau điều gì, nhưng không thể nào nghe một lời nào, ngoài tiếng mưa thật nặng thật buồn trong đêm. Con đường Phan Ðình Phùng giờ đây ngập tràn nước mưa và tối đen như mực vì suốt con đường dài mà lâu lâu mới có một ngọn đèn vàng ủ dột, hắt hiu. Hai nàng cứ lội nước mưa mà đi như cái thuở còn ấu thơ cảm thấy sung sướng vô cùng khi được đùa vui với chúng bạn dưới cơn mưa lũ. Bây giờ Hồng cũng có niềm vui nào đó đang đến với nàng, nàng không còn cô đơn, không còn lạnh lẽo, vì Hồng đã có Phượng đang tâm sự đang vỗ về nàng như đã đưa Hồng vào một không gian nào đầy tiếng nhạc reo vui, đầy tiếng chim ca, nơi ấy có Phượng, có Hồng với tuổi đời rạng rỡ với ước mơ sáng ngời.
Ðứng dưới đường, nhìn lên xóm Mỹ Lộc ở trên chóp đồi cao với ánh đèn điện thưa thớt, hắt hiu. Còn con đường lên dốc thì tối thui. Vậy là cả hai vịn vào nhau mà bước, tuy không nghe tiếng thì thầm to nhỏ, nhưng lâu lâu lại nghe tiếng thở, phải nói là thở hồng hộc, vì cái mệt leo dốc. Lại có lúc có tiếng cười khúc khích hòa trong hơi thở, mà đáng lý ra hai nàng khổ quá, hai nàng phải khóc mới đúng. Nhưng nước mắt đã giúp đỡ cho hai nàng được gì? Nếu có, cũng chỉ làm cho tâm hồn họ thêm tan nát ra mà thôi! Làm cho thân xác họ thêm mỏi mòn. Chỉ có những tiếng cười thân ái nầy mới đưa đẩy hai nàng lại gần nhau, để cùng nhau vươn cao sức lực mong manh chống trả lại với những phong ba bão táp của cuộc đời.
Khi nhìn thấy có ánh đèn chiếu sáng ở trước mặt, Hồng biết là đã đến địa điểm dạy rồi. Hồng và Phượng từ từ bước vào lớp học, cả hai nàng cùng thấy không khí lớp học vô cùng khác lạ, thật khác xa các lớp học mà hai nàng dạy hằng ngày.
Học trò đã nhìn hai nàng chăm chăm, không có vẻ e dè. Học trò lại không có một sự đồng đều: học sinh lớn nhất có thể là gần 60 tuổi và học sinh nhỏ nhất là 10, 12 tuổi. Tất cả đều nhìn hai cô giáo với vẻ lơ là, chẳng mấy chú tâm đến, hình như họ cảm thấy mình bị bắt buộc học, cái học ngoài ý muốn của mình nên ngay từ giờ phút khởi đầu, không khí lớp học hầu như không có cái vẻ sôi nổi, hào hứng.
Nhưng hai nàng vẫn cứ vui tươi giới thiệu mục đích của mình khi đến đây và hăng hái bắt tay vào việc cũng như những lúc họ lên lớp, đứng trước học trò của mình. Những người học trò mới nầy dần dần thích thú nghe theo cách chỉ dạy nhẹ nhàng nhưng đầy hấp dẫn của hai nàng.
Lúc ra về, hai nàng đã thấy có những nụ cười nở trên những bờ môi khô héo theo với ngày tháng nhọc nhằn, gian khổ. Khi hai nàng bước xuống con đường dốc ra về, mưa chỉ còn lất phất, nhưng gió thổi lạnh buốt, tuy vậy đường vẫn dễ đi vì đã quen.
Xuống khỏi con dốc cao, Phượng thở thật mạnh làm Hồng phì cười, Phượng nói:
- Tụi mình khỏe rồi đó nghe!
Hồng cười, không nói, đi sát vào Phượng cho ấm. Chẳng bao lâu đã đến dốc chùa Linh Sơn, Phượng nói nhè nhẹ bên tai Hồng:
- Phượng nghĩ lại thời gian qua của Phượng thật là một chuỗi ngày dài đằng đẵng đầy gian khổ. Mới đó mà đã mười mấy năm qua. Sau hai năm học văn khoa, Phượng muốn bắt tay ngay vào con đường dạy học. Vậy là Phượng bỏ lại sau lưng những chiều chú nhật đạp xe honda chạy quanh khu Hòa Bình để nhìn phố phường tưng bừng trong những ngày nắng lên. Bỏ ngay những chiều thứ bảy ngồi lặng yên cùng chúng bạn trong quán cà phê Tùng ở đường Hàm Nghi để lắng nghe tiếng nhạc dịu êm đang ngân vang theo tiếng mưa buồn tí tách rơi bên ngoài. Phượng ra đến Qui Nhơn để theo học lớp sư phạm ở đây. Thiên nhiên Qui Nhơn tuy có sức thu hút con người với trời biển rộng mênh mông, vẫn không làm cho nỗi nhớ Ðà Lạt trong Phượng nguôi ngoai! Phượng cố học thật giỏi để cuối năm ra trường được điểm cao mong xin về Ðà Lạt dễ dàng.
Phượng nói tiếp:
- Nhưng lúc Phượng ra trường thì đất nước đã đổi thay, thành phần được sắp xếp của Phượng bây giờ là hạn chót, giai cấp tư bản. Phượng đã được đưa về một quận tỉnh Bảo Lộc, ở đây phương tiện ăn ở không có, Phượng được ở chung một phòng nhỏ với một số thầy cô giáo khác, các thầy ở phía ngoài, các cô ở phía trong. Phượng rất khổ sở vì ở một nơi mà phương tiện vệ sinh vô cùng thiếu thốn. Một sự chật chội làm cho Phượng vô cùng ngộp thở. Ðêm đêm Phượng thường ra ngoài ngước nhìn bầu trời tối thui vào những đêm không trăng sao, Phượng đã khóc rưng rức cho thân phận mình. Mà nói cho cùng, chị em mình cùng một nỗi đau vì chúng ta cứ phải làm, làm như một vật vô tri để rồi chúng ta khô héo dần.
Hồng xoa xoa tay Phượng, nói khẽ:
- Có những nỗi đau mà chúng ta chôn kín tận đáy lòng, không có ai để chúng ta san sẻ, vì chỉ có những người cùng cực, cùng khổ mới thông cảm nỗi đau cho nhau mà thôi. Mình cũng như Phượng, là một cánh chim của núi đồi Ðà Lạt. Khi cánh chim ấy bay xa, bay xa không định được hướng vì đời binh nghiệp của chồng. Rồi mình dạy học ở Cần Thơ khá lâu, thời gian cứ trôi qua, hết năm nầy đến năm khác nối tiếp nhau, cứ coi đây như quê hương thứ hai của mình đi. Cũng có đôi khi vì mải vui với học trò mà mình đã quên cả không gian lẫn thời gian. Mình còn nhớ mãi vào một buổi trưa nắng gắt, mình phải ở lại nghỉ trưa tại trường để chờ dạy lớp chiều, vì mình phải dạy tại một trường trung học, cách xa Cần Thơ hai mươi cây số. Mình đang nằm nghĩ vẫn vơ thì một nhóm học sinh đi vào, chúng lao nhao như ong vỡ tổ: “Cô ơi! Cô thích ăn xoài không? Mời cô đến nhà tụi em ăn xoài chín.” Nghe nói đến xoài đầu mùa, mình ngồi dậy ngay, sau khi học trò cho biết chỉ đi trong một tiếng đồng hồ để mình còn về dạy. Tới vườn, thầy trò đều say mê trước cây trái xum xuê, nhất là vườn cây trái vô cùng bát ngát mênh mông, vô cùng xinh tươi. Ðến khi giựt mình nhìn lại thì đã quá giờ dạy, quá giờ vào học rồi. Bấy giờ cả thầy trò đều hấp tấp đi nhanh ra khỏi vườn, nhưng bước đi khó khăn vô cùng vì hai tay ai cũng xách đầy trái chín. Cũng vì mình dạy khá lâu tại Cần Thơ nên nhiều người ở đây vẫn nghĩ mình là dân Tây Ðô. Mình nhớ mỗi lần hè về, mẹ con mình sung sướng vô cùng. Mẹ con mình sẽ về Sài Gòn, rồi lên Ðà Lạt vui chơi suốt ba tháng. Thật không có gì hạnh phúc bằng. Mỗi lần trở về, khi vừa tới "bắc Cần Thơ" thì luôn luôn gặp những đứa học trò đi đâu đó, thấy mẹ con mình về, mừng rỡ vô cùng, hét lớn: “Cô Sáu về rồi tụi bay ơi!” Từ lâu lắm rồi, người Cần Thơ vẫn gọi mình là cô Sáu, vì gọi như vậy thân mật hơn, hình như họ không muốn nói đến tên gọi, nghề giáo là những gì thật đáng quý đối với họ.
Hồng bùi ngùi kể tiếp:
- Nhìn đám học trò reo vui, cuống quít khi gặp lại mẹ con mình, mình xúc động đến nghẹn ngào! Mình đã có được cái cảm giác bồi hồi của một người Cần Thơ chính cống đi xa trở về. Nhưng mình cũng như Phượng, mình vẫn ước mong có một ngày nào đó cánh chim xưa sẽ bay về sống với khoảng đất trời bát ngát xanh tươi, nơi đã chất đầy biết bao kỷ niệm dấu yêu. Bỗng đất nước chúng ta đổi thay thật bất ngờ, chồng mình phải tù đày, ba con còn quá nhỏ dại, mình vô cùng lạc lõng bơ vơ ở một nơi không có một ai là thân thuộc. Mẹ con mình cứ lăn lóc nổi trôi như vậy cho đến ngày mình được đổi về Ðà Lạt. Về đây mình không thể nào tìm lại những ngày tháng êm đẹp thuở nào, mà phải trải qua những nhọc nhằn, những chua cay. Mình chỉ nghĩ một điều là mình phải làm, làm cho các con của mình, vì bây giờ mình vừa làm cha mình vừa làm mẹ!
Phượng bỗng xoay qua nhìn Hồng, nói nhanh:
- Nhiều lúc Phượng cảm thấy cổ họng mình khô cứng, có thể vì những khổ đau những nhọc nhằn phải hứng chịu theo tháng ngày. Khổ một nỗi là Phượng cảm thấy khát vô cùng, những lúc ấy Phượng thèm một ly cà phê và có một ai đó để san sẻ nỗi niềm. Hèn gì các ông rất thích cà phê mỗi khi khát nước, mà phải là cà phê đen đá mới được. Bây giờ Phượng cũng đang ở vào trạng thái như vậy. Phượng nghe mọi người khen cà phê Anh Võ nhiều lắm. Hay là ngày mai không họp, không lao động chị em mình đi uống cà phê nghe chị. Ở tiệm đó người ta trang trí hoa tươi rất đẹp. Nghe đâu ông chủ tiệm ấy có đầu óc khá mỹ thuật, ông ấy đã sáng tạo những bộ bàn ghế bằng gỗ thông thật lạ mắt, lại gần với thiên nhiên.
Rồi Phượng cười khúc khích nói:
- Bộ chị không còn nhớ nhà thơ Tản Ðà đã nói sao: "Ðồ ăn ngon, người ngồi ăn ngon, chỗ ngồi ăn ngon mới ngon."
Nghe Phượng đọc thơ Tản Ðà, Hồng đã cười thành tiếng vì thích thú. Câu thơ vừa rồi đã nhắc nàng nhớ thật nhiều đến những năm nào đã quá xa, thuở ấy nàng yêu thơ Tản Ðà biết là chừng nào. Nhất là những bài thơ tình ướt át của thi sĩ.
---------------
Mưa vẫn còn kéo dài đến hôm nay. Hồng cảm thấy bực mình vì những cơn mưa dài dẳng của Ðà Lạt, mưa ngày chưa hết thì đã lại mưa đêm, có khi mưa kéo dài cả tuần, vẫn chưa đủ đâu, có khi kéo dài cả tháng. Thật khác xa với những cơn mưa của Sài Gòn, có khi mưa cũng thật dữ dội, mưa như xối xả, nhưng chỉ trong chốc lát, rồi nắng lại lên, phố phường lại khô ráo, tươi vui trong nắng ấm. Bây giờ mưa đang tiếp tục rơi giọt ngắn giọt dài trên thành phố nhỏ lạnh buồn nầy. Giọt mưa cứ tiếp tục rơi rồi chạm vào mặt kính, chảy dài xuống làm đục mờ mặt kính. Nàng nhìn ra, chẳng thấy gì ở bên ngoài.
Nàng chợt nghĩ giờ đây chỉ có chấm bài là nhất, mấy xấp luận văn đang chờ nàng ở trên bàn. Nàng rất cần không khí lặng thinh để làm việc, nàng nhận thấy mỗi bài văn đều thể hiện mỗi cá tính của mỗi con người. Đọc văn của học trò, rồi nhìn chúng đi đứng, nghe chúng nói năng, nàng thích thú vô cùng.
Nhưng đến khi nàng nhìn qua lớp cửa kính đục mờ, nàng đã thấy ẩn hiện một nét môi cười thật tươi, nụ cười ấy như bất chấp cả mưa gió bão bùng, vẫn tươi tắn, vẫn ấm áp như những tia nắng ấm của những buổi đẹp trời. Với đôi mắt xếch lém lỉnh đang cố nhìn vào như đang tìm kiếm một ai.
Vậy là trong chiếc dù đen rộng, hai nàng đã chậm rãi bước nhẹ trong mưa. Tiếng mưa rơi hòa lẫn với tiếng cười khúc khích rất hồn nhiên của hai nàng, hình như họ không còn vướng bận một chút khắc khoải, một chút lo âu nào.
Ra đến khu Hòa Bình, phố phường giờ đây lạnh căm căm. Người qua lại thưa thớt, với dáng đi vội vàng, nhưng lại co ro trong cái lạnh. Người ta vẫn gọi Ðà Lạt buồn là như vậy! Hồng khẽ đi sát vào Phượng, vừa cười vừa nói:
- Mình theo học trò đã mười mấy năm rồi, mà tình cảm của mình đối với học trò thật khó phân biệt là nghiêng hẳn về học trò giỏi hay học trò yếu kém, loại học trò mà tất cả các thầy cô của chúng phải mất thật nhiều công sức. Chúng giống như những đứa con bất thường của chúng ta, chúng ta phải yêu thương chúng và quan tâm đến chúng thật nhiều. Còn học trò giỏi chỉ là niềm hãnh diện của chúng ta mà thôi, rồi chúng ta cũng quên. Có lẽ mình nhớ nhất là những đứa học trò đã đem đến cho mình những nỗi buồn vui bất chợt.
Hồng vui vẻ kể tiếp:
- Phượng biết không, mình còn nhớ chiều hôm ấy trời mưa to gió lớn, giờ ra chơi, học trò phần lớn tụ tập trong lớp từng nhóm nhỏ, mình cũng đi lên đi xuống cho đỡ buồn. Khi đi ngang qua một nhóm, bỗng mình nghe tiếng Trí, một giọng Huế rất đặc biệt của lớp: “Tụi bay nói sao, chớ tao thấy chỉ mấy đứa học dở mới nhớ thầy cô giáo cũ nhiều thôi! Chớ mấy đứa học giỏi khi học xong một lớp rồi, không có gì để cho tụi nó nhớ hết!” Trí là một anh học trò thật cá biệt của lớp mình, lúc nào cũng lầm lì, ít nói, thường bị mình la rầy hoài vì lười ít chịu học bài, làm bài! Nhiều lúc mình giận vô cùng, muốn để mặc cho ở lại lớp, nhưng nhìn vẻ mặt hiền lành của nó, nhìn vẻ mặt khắc khổ của bà mẹ, mình phải chạy hết cô giáo nầy đến thầy giáo nọ để nhờ các thầy cô ấy hướng dẫn thêm cho Trí, nên khi nghe Trí phân trần với bạn bè như vậy, mình nhận thấy Trí đã thấy được sự tận tâm dạy dỗ cũng như sự thương yêu của thầy cô theo với tháng ngày. Ðiều nầy đã làm cho mình vui vui, ấm lòng vô cùng.
Khi cả hai đã đến cà phê Anh Võ, vì trời mưa lại không phải là ngày cuối tuần nên chỉ có vài ba người khách ngồi nhìn ra đường. Cũng vì từ lâu rồi không đi uống cà phê với bạn bè, bây giờ cả hai cùng thấy ngài ngại. Nhưng đến khi hai nàng vừa bước vào, ông chủ tiệm đã cười, cất tiếng chào:
- Chào hai cô giáo, mời hai cô vào uống cà phê cho ấm.
Hồng giựt mình, hỏi thầm sao ông nầy hiểu rỏ về hai nàng quá vậy. Hình như Phượng cũng cùng tâm trạng như Hồng, Hồng thấy Phượng khựng lại, nhưng rồi Phượng lại cười nắm tay Hồng bước vào phòng phía bên trong, lặng lẽ hơn và ít người hơn. Hai nàng đã chọn một cái bàn đặt trong góc, lại kế bên một cửa sổ tròn nhỏ, có thể nhìn ra phòng ngoài, hay nhìn ra tới đường cái, nên chỗ ngồi rất thoáng. Ông chủ tiệm cũng đã gây được sự chú ý của mọi người bằng cách đặt một vài cành hoa lan tím nhỏ uốn cong cong nhè nhẹ trên một chiếc bình xinh xinh.
Bỗng Phượng mỉm cười hỏi nàng:
- Nhìn ông chủ tiệm nầy, chị có nhớ ra điều gì không?
Hồng cũng cười, nàng nói với Phượng:
- Nghe ông ấy chào hai cô giáo, mình giựt mình, nhưng khi nhìn kỹ, mình nhớ ra đây là một huynh trưởng Gia Ðình Phật Tử. Dù thời gian trôi qua nhanh như gió thổi như tên bay, gây nên biết bao đổi thay, tang tóc, nhưng cái vẻ hiền lành, trầm tĩnh của anh ấy hình như bất biến, vừa nhìn anh ấy mình đã nhớ đến chàng trai áo lam của một ngày nào đã qua. Nhưng mọi người giờ đây gặp nhau hình như không muốn nhắc lại dĩ vãng một chút nào, chỉ chào nhau bằng nụ cười thân tình cũng đủ rồi.
Rồi cả hai cùng lặng thinh, tiếng hát của Francois Hardy đang ngân vang trong trẻo như khói sương. Hồng khẽ nhắm mắt nhớ đến tháng năm nào đã say mê tiếng hát thật trẻ, thật chứa chan tình cảm của người ca sỹ khả ái nầy, mỗi một lời ca của nàng là một lời tâm sự của mỗi con người đang bước vào yêu và đang yêu. Những chuỗi ngày êm đẹp xa xưa lại hiện về, Ðà Lạt của nàng thật êm đẹp, thật tưng bừng biết là chừng nào, Ðà Lạt đã được kết tụ bằng những nụ cười tươi tắn yêu đời, bằng những ánh mắt sáng ngời, chứa chan hy vọng trước ngưỡng cửa đời đang rộng mở.
Bỗng tiếng Phượng êm êm vang lên hòa trong tiếng nhạc:
- Ngồi đây nghe nhạc, Phượng nhớ về kỷ niệm xa xưa nhiều quá. Khổ là nhớ về chàng vô cùng. Vì Phượng và chàng thường có thói quen là thích đi uống cà phê vào những lúc trời mưa gió lạnh lùng, cả hai đứa cứ ngồi lặng thinh như vậy trong khi nhạc cứ trôi nổi và mưa cứ tí tách rơi. Những kỷ niệm ấy Phượng cứ nghĩ là đã bị chôn vùi theo với tháng năm!
Tiếng nói của Phượng như đang vang vọng đến nàng từ một cõi xa xôi nào. Nàng thấy trên những chiếc ghế gỗ thông kia có những gương mặt như thật thân quen tràn nét thanh xuân, nhưng thật phẳng lặng như tượng, thấp thoáng, ẩn hiện sau làn khói thuốc, theo tiếng nhạc réo rắt ngân vang. Hai ly cà phê giờ nầy đã cạn và đã được pha vào những giọt nước trà, hương thơm thoang thoảng đâu đây.
---------------
Hôm nay đi dọc theo hành lang các lớp học, đang đi Hồng gặp Phượng. Lạ chưa, mặt của nàng nhăn nhăn thật khó ưa. Hồng nghĩ thầm các thầy cô giáo lâu lâu vẫn gọi Phượng là "nữ thần chiến tranh" cũng đúng chớ đâu có sai. Nhưng nhìn kỹ Hồng nhận thấy vẻ mặt ấy cũng hay hay. Nàng cười tiến lại gần Phượng.
Vừa đến gần Hồng, Phượng đã nói ngay, mặt vẫn còn nhăn:
- Vừa rồi chị tuyên bố một câu giữa buổi họp làm Phượng hết hồn, mãi đến bây giờ vẫn chưa lấy lại tinh thần. Tại sao chị can đảm quá như vậy. Ðưa học trò trường mình ra hội trường Hòa Bình biểu diễn văn nghệ để lấy tiền phát phần thưởng cuối năm! Mà chị biết không, đã bao nhiêu năm qua rồi, tất cả các trường tại Ðà Lạt nầy chỉ tổ chức văn nghệ vào những dịp lễ để mời thầy cô tham dự, để cho học sinh và phụ huynh đến xem thôi. Chị thấy đó không trường nào dám đưa học trò mình đi trình diển văn nghệ như những nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Nói xong, Phượng lại thở dài, rồi nhìn Hồng với ánh mắt đầy lo lắng. Trong khi ấy Hồng nhìn Phượng cười thật tươi, một nụ cười không vướng bận bất cứ một lo âu nào.
Hồng nắm chặt tay Phượng, nàng nói:
- Phượng yên tâm, hằng tuần mình hướng dẫn văn nghệ cho học sinh trường mình, mình biết được khả năng của học trò mình. Mình hướng dẫn dần dần và mình biết trước được thành quả mà học trò mình sẽ có trong tháng ngày tới. Tuy nhiên trong công tác nầy, mình cũng đã nghĩ tới Phượng và một số thầy cô khác sẽ đóng góp ý kiến trong công sức trong công tác hướng dẫn văn nghệ của mình, cũng như đóng góp tài năng thiên phú của chính mình trong đêm văn nghệ, vì các thầy cô giáo là những người đa tài lại rất can đảm, dám làm bất cứ một công việc khó khăn nào.
Hồng nhìn Phượng nói tiếp:
- Mình vẫn còn nghe thiên hạ nhắc đến con chim Oanh vũ bé nhỏ có giọng hát thật hay và những bước chân nhún nhảy rất lôi cuốn người xem, mình đặt rất nhiều hy vọng nơi Phượng đó!
---------------
Trong những lúc Hồng lăng xăng kiểm soát từng nhóm đang tập tiết mục sẽ trình diễn, Hồng vẫn thấy Phượng xuất hiện đâu đó, hướng dẫn múa, sửa từng bước chân, từng nét mặt, Phượng cũng say sưa, bước chân của Phượng cũng rất nhịp nhàng, khéo léo, có lẽ máu văn nghệ đã ăn sâu trong huyết quản của nàng. Cũng giống như nàng, Phượng đã lăn xả vào văn nghệ quên cả thời gian, quên cả không gian.
Hôm qua, Phượng đã cười thật tươi khi gặp Hồng vừa dạy ở lớp ra, Phượng nói thật nhanh vừa đưa cho Hồng một bản nhạc:
- Bản nhạc nầy có thể song ca, chị chọn cho Phượng hai giọng ca thật vững, chiều nay Phượng sẽ cho tập chung với ban nhạc của trường.
Hồng cười, nắm chặt tay Phượng:
- Vậy là nhất!
Sau một thời gian ngắn ngủi, hai cô học sinh xinh xắn ấy đã hát thật nhịp nhàng theo ban nhạc với dáng diệu thật là tự nhiên thật là dễ thương. Cô giáo Phượng càng tươi tắn hơn, vì hai cô học trò thật thông minh và tràn đầy năng khiếu văn nghệ.
Hồng cũng đã tươi như hoa Ðà Lạt trong gió xuân tới, nói khẽ với Phượng:
- Phượng cứ tin đi, đêm trình diễn văn nghệ của trường mình sẽ dồi dào tiết mục vô cùng. Phượng biết không, kỳ thi học kỳ tới đây mình sẽ cho các lớp thi văn nghệ để chọn thêm những tiết mục đặc sắc, rồi các thầy cô tới trường thực tập cũng dự thi văn nghệ theo lớp các thầy cô ấy hướng dẫn. Mình biết trong nhóm các thầy cô về trường mình thực tập có một số thầy cô rất nhiều tài năng. Họ hát nhạc ngoại quốc chẳng thua gì ca sĩ Thanh Lan, hát nhạc thính phòng cũng rất truyền cảm, và mình cũng đã thấy họ hướng dẫn học sinh múa hát đâu có thua gì tụi mình.
Ðêm trình diễn, hội trường Hòa Bình chật ních khán giả đến xem, trong khi ấy phía bên ngoài hội trường vẫn còn rất đông người không có vé. Tiếng vỗ tay vang rền, cho đến khi tất cả ban văn nghệ cùng nắm tay nhau, cúi chào khán giả, tiếng vỗ tay như muốn làm vỡ tan rạp hát. Bây giờ nàng cảm thấy mệt nhoài, nàng không thể đi, nàng không thể nói. Nàng chỉ muốn đứng lặng thinh, nhìn cái sân khấu trơ trọi, không người. Nỗi buồn lại kéo về, nàng nhận thấy sân khấu cũng như cuộc đời thường thay đổi bất chợt và thật bất ngờ làm cho con người cứ tiếc thương mãi những gì đã qua và đã mất. Nàng thương biết mấy những gương mặt thật xinh tươi, những giọng hát trong veo, líu lo như chim hót, những bước chân nhún nhẩy dịu dàng. Tất cả giờ đây cũng đã trở về với dĩ vãng, cuộc vui nào cũng chóng tàn là như vậy.
Bỗng nàng nghe có tiếng chân ai đang tiến đến gần mình, nhìn lên nàng thấy Phượng đang tươi cười đến gần nàng và nói ngay:
- Chà cái sân khấu nầy nó thu hút chị quá, nó không cho chị về phải không?
Nàng nhìn Phượng, mỉm cười, nói:
- Ðúng đó Phượng, cái sân khấu nầy đã thu hút mình từ lúc còn đông đảo khán giả vây quanh cho đến lúc vắng tanh như buổi chợ chiều.
---------------
Thời gian gần đây, Phượng ít đến gặp nàng có lẽ Phượng bị bận việc nhà, với lại bà cụ của Phượng lúc nầy không được khỏe. Nàng phải đi tìm gặp Phượng mới được. Vì đã lâu không thấy mặt, nàng cũng cảm thấy nhớ cái con chim hay hót líu lo nầy.
Vừa đi hết con đường Võ Tánh, nàng đã thấy con dốc Bùi Thị Xuân thoai thoải kéo dài, nàng bước những bước chân lâng lâng, nhẹ nhàng dưới những tia nắng vàng vọt còn sót lại, trong cái quang cảnh đã lắng dịu của một ngày sắp tàn. Bước vào nhà không thấy Phượng, nàng cất tiếng gọi cho vang lên lầu, nàng hy vọng Phượng đang ở trên đó:
- Phượng ơi! Phượng ơi!
Nàng đã nghe ngay một giọng trong trẻo cất lên:
- Chị Hồng ngồi chờ một chút thôi, Phượng xuống ngay!
Vừa nghe tiếng nói của Phượng, nàng đã thấy Phượng bước tới gần mình. Phượng cười, nhưng nụ cười có vẻ kém tươi. Nàng nghĩ thầm chắc cô nàng giận hờn mình điều gì đây, để từ từ xem sao. Nàng cười, hỏi ngay:
- Trời đẹp quá. Hai đứa mình đi uống cà phê đi!
Phượng lại cười, nhưng nụ cười sao mà héo hắt quá.
- Phượng đang buồn đây, đi uống cà phê với chị thì còn gì bằng!
Cả hai đi xuống dốc chùa Linh Sơn, Phượng cất giọng buồn buồn như kể lể với nàng:
- Phượng buồn lắm, hình như Phượng bị xuống tinh thần rất nhiều từ hôm Phượng đi ra phố. Hôm ấy vừa mới qua cơn mưa nên đường đi rất trơn trợt, tự nhiên làm Phượng nhớ đến một hôm nào đó cũng tại Bảo Lộc, sau một cơn mưa, Phượng đang từ từ bước đi trên con đường đất đỏ với những bước thật chậm, mắt Phượng nhìn phía trước thì thấy có một người thanh niên đang đi ngược về hướng mình, với dáng người cao cao, với mái tóc bồng bềnh. Dáng người ấy như nổi hẳn lên trong một buổi chiều thật vắng lặng, thật âm u của Bảo Lộc. Nhưng Phượng vội vàng đưa mắt nhìn về phía trước vì hình như chàng ta cũng đang đăm đăm nhìn Phượng. Ðang đi Phượng giựt mình khi nghe một tiếng "ình" vang lên. Nhìn qua nàng thấy chàng ta đang nằm trên đất, chàng đang chới với tìm cách đứng dậy. Mặt chàng nhăn nhăn nhưng cũng cố gắng gượng cười. Nhìn dáng diệu của chàng Phượng không thể nào nín cười được.
Phượng tâm sự tiếp:
- Chàng thanh niên ấy nhăn mặt, nhìn Phượng nói: “Thấy người ta ngã đau, còn cười sao?” Ðó là Phú, một giáo sư dạy tại trung học Bảo Lộc. Tụi em đã có một thời yêu nhau, tìm hiểu nhau. Nhưng vì một bất hòa nào đó, hai đứa xa nhau, rồi thời gian trôi qua, hình ảnh Phú tưởng như đã phai mờ trong em. Nhưng hôm qua, bỗng nhiên Phú hiện ra trước mắt em, Phú đang đi với một người con gái, hình như họ thấy Phượng trước, họ đã đi tới thật nhanh để nhìn rõ Phượng, nói cười với nhau rất âu yếm, tay lại trong tay. Lòng Phượng đau như cắt, tại sao Phú có thể đối xử tàn ác với Phượng như vậy. Thà là họ cứ đi thẳng, coi nhau như người xa lạ. Mặc dầu chuyện cũ đã quá xa rồi, nhưng đó là kỷ niệm, kỷ niệm của tuổi đời đang yêu. Riêng Phượng, Phượng đã chôn dấu trong cõi lòng tưởng như đã giá lạnh theo với tháng ngày! Nhưng đó là kỷ niệm dấu yêu. Khổ một nỗi giờ đây chàng lại có thái độ như muốn rêu rao với mọi người!
Nàng lặng thinh, khẽ quay qua nhìn Phượng, Phượng đang cúi đầu, hình như Phượng đang cố ngăn chặn những giọt lệ chỉ muốn tuôn trào. Nàng khẽ thở dài, rồi nói:
- Nếu mình là Phượng trong giờ phút bất chợt gặp nhau hôm đó, lòng mình cũng sẽ đau xót vô cùng. Phượng biết tại sao không, vì mình cảm thấy cô đơn hơn lúc nào hết. Trên đời nầy, đâu còn ai hiểu mình, đâu còn ai yêu thương mình. Buồn lắm! Mặc dầu tình yêu ấy chỉ là ảo tưởng, chỉ là tình yêu được ấp ủ trong tim mình. Nhưng cuộc sống của chúng ta là một chuỗi vui buồn tiếp nối không thôi. Hai đứa mình cũng đã được thử thách quá nhiều. Chỉ có một điều, Phượng đừng bao giờ quên là bên cạnh Phượng lúc nào cũng có mình, mình vui theo Phượng và mình cũng buồn theo với Phượng.
Bước chân của hai nàng như chậm lại theo dòng tâm tư lắng đọng. Vậy mà đã lên gần hết dốc Phan Ðình Phùng. Bây giờ người lên xuống tấp nập và tiệm cà phê Anh Võ cũng đầy khách, những người khách ngồi đưa mắt nhìn ra đường, chẳng lưu tâm mấy đến ly cà phê đen với những viên đá đang từ từ tan dần... tan dần...
Trời nắng đẹp, hai nàng lại đi xuống dốc Duy Tân, rồi rẽ qua đường Phan Ðình Phùng để từ từ quay gót về nhà. Trên đường đi, hai nàng đã nhìn thấy một quán cà phê nhỏ, hương thơm cà phê cứ bay theo, cuốn hút hai nàng. Ly cà phê vơi dần, vơi dần khi tia nắng chiều từ từ khuất sau dãy núi xanh lam xa...
---------------
Hồng vừa bước chân ra khỏi nhà, trời vẫn còn tối đen, sương mù bao phủ khắp nơi nơi, từ xa nàng nhìn thấy trường Nguyễn Du hiện ra thật mờ ảo. Đến gần nàng nghe nhiều tiếng xôn xao, tiếng cười, tiếng nói. Nhưng đến khi sát gần, nàng cũng chỉ nhận thấy ai cũng như ai... người nào cũng quần đen, áo len, đầu đội nón lá... một đoàn người lao công lam lũ. Hồng đang cố tìm Phượng trong đám người nầy, vì sáng hôm qua gặp nhau tại văn phòng, Phượng đã dặn dò nàng một cách nghiêm trọng: “ngày mai đi vét hồ Xuân Hương hễ chị thấy Phượng đứng đâu thì chị đứng ở đó nhớ nghe chị.” Thật tình nàng không thể nào tìm ra Phượng. Ðã có tiếng còi tập họp, rồi trưởng nhóm điểm danh từng người.
Bỗng có ai kéo tay Hồng, kéo nàng đi, tiếng Phượng vang bên tai nàng:
- Ði xuống dưới nầy, đứng gần em, nói chuyện cho vui.
Hồng đi theo Phượng, cười, nghĩ thầm: đi lao động, đâu phải uống cà phê mà nói chuyện.
Cả đoàn cô giáo, thầy giáo đang lặng lẽ leo lên ngọn đồi đi tới hồ Tổng Lệ. Trường Hồng và một số các trường khác phải vét hồ nầy. Tất cả các thầy cô đều phải sắp hàng một, từ lòng hồ lên tới đỉnh đồi, chuyền từng thùng nước, từng thùng đá, từng thùng đất ra khỏi lòng sông... Không một lời nói, không một tiếng cười… Hình như mỗi người đang mang nặng những ý nghĩ riêng tư trong lòng. Riêng Hồng, nàng nghĩ: công việc nầy có nên làm không, có cần thiết lắm không? Hay chỉ cho con người thấy cái nỗi đọa đày mình đang gánh chịu. Hồng đưa mắt nhìn qua hồ Xuân Hương, các thầy cô đứng trong lòng hồ cạn lên tới trên bờ hồ, đông nghẹt như một đàn kiến đang cong lưng kiếm mồi để sống, cam lòng hứng chịu bao nỗi nhọc nhằn, bao nỗi khổ đau.
Khi công việc đã xong, mọi người lên đồi tập họp để điểm danh, Hồng thấy ai cũng lấm đầy đất bùn, có nhiều cô giáo quần cũng ướt nhẹp vì phải đứng trong lòng hồ để múc nước ra. Hồng cũng lấm lem nhưng tuyệt đối không bị ướt, không bị dằm nước, vì nàng đứng sau Phượng. Ôi! Nghĩ đến Phượng, nước mắt Hồng đã muốn tuôn rơi, Phượng là một bông hoa thật kỳ diệu, tình cờ đến bên nàng tỏa hương thơm làm tăng sức sống tưởng như đã tàn lụn theo với tháng ngày và nàng đang cố vươn sức lên để tìm thấy tương lai tươi sáng cho các con. Hồng vội đi tìm Phượng thì nàng đã thấy Phượng đang đi tới gần nàng. Phượng tươi cười đưa cho nàng một ly nước trà nóng mà chị cai trường đã nấu trên củi rừng.
---------------
Khi Hồng đưa tay mở cửa thì cửa đã mở tung, con gái nàng đã mở to mắt ra nhìn nàng, rồi nói lớn:
- Tụi con đang trông mẹ về quá trời. Mẹ mệt lắm phải không? Ngoại đang chờ mẹ. Mẹ lấm lem bùn đất. Trời! Mẹ phải làm nhiều dữ vậy sao? Thật nhìn mẹ con không thể nào chịu được!
Rồi con bé nhăn nhó trông thật khổ sở.
Nàng nhìn con mỉm cười nói:
- Mẹ ngồi nghỉ một chút là khỏe ngay, mình đi ăn cơm, bà ngoại, các con đói rồi phải không? À! con còn phải ăn cơm, đi ngủ ngay vì ngày mai con phải đi vét hồ mà.
Con gái nàng lại nhìn nàng cười, nói ngay:
- Mẹ khỏi lo, ngày mai con không đi. Tụi con hên lắm mẹ ơi. Lúc tụi con đang sinh hoạt trên đồi, trong lúc tụi con hát thì có mấy ông nào trông là lạ, không phải người Ðà Lạt, lại gần tụi con, nghe tụi con hát. Họ vỗ tay thật to, khen tụi con hát hay. Sau đó họ xin phép chị đội trưởng là ngày mai cho tụi con hướng dẫn họ đi xem một vài thắng cảnh của Ðà Lạt. Nhưng tụi con cho biết là ngày mai tụi con phải đi vét hồ. Họ nói chuyện một lúc, rồi đến cho tụi con biết là ngày mai cấp 2 được nghỉ chỉ cấp 3 mới đi thôi. Chị đội trưởng của tụi con cũng đã từ chối rất khéo: “Ba mẹ các em phải đi vét hồ từ sáng sớm, nếu được nghỉ các em phải lo việc nhà.”
Chợt con gái Hồng bỗng la lên:
- Mẹ ơi! Con phải đi bằm ngay su su cho chó mèo, gà vịt ăn, con thấy tụi nó đói lắm rồi. Mẹ cứ ngồi nghỉ, rồi đi tắm, để con làm không sao.
Nàng ngồi nhớ lại nồi su su đã nấu tối hôm qua để sáng mai nầy bằm ra cho chó mèo, gà vịt ăn. Nhưng sáng nay vì phải đi sớm quá nên làm không kịp. Nếu không có nồi su su nầy thì các con vật trong nhà nàng đều chết đói hết. Sự thật là như thế nầy trước khi đi ngủ, Hồng thường nấu một nồi su su thật lớn, rồi sáng hôm sau nàng ngủ dậy gọt vỏ, bằm nhỏ vỏ ra rồi trộn với bo bo hay bắp xay cho gà vịt ăn, nhờ vậy mà cả nhà có trứng để bồi dưỡng cơ thể. Nàng mỉm cười khi nhớ lại hai con gà mái tre của mình, đẻ ra cái trứng nào cái trứng nấy nhỏ như trứng chim, nên nàng đã tìm cách để mẹ con nàng có trứng to mà ăn. Khi hai con gà đã ấp trứng được khoảng nửa tháng, nàng đi chợ mua vịt con về, chờ đến tối gà mẹ đã ngủ say, nàng mới lấy trứng gà ra và cho vịt con vào để gà mẹ ấp. Vậy là sáng ra khi gà mẹ “tục tục” thì các chú vịt con liền chạy theo mẹ, chú nào cũng cố gắng chạy theo mẹ nên cứ té lên té xuống trông thật là tội nghiệp.
Hiện nay nàng đã có trên 10 con vịt lớn đẻ trứng. Mẹ nàng có cái thú vui là sáng nào cũng cầm cây viết ghi rõ ngày tháng của cái trứng vịt mới đẻ ra tối hôm qua, để có thể bán hay ăn cho đúng ngày, tránh trứng khỏi bị hư. Sung sướng nhất là mỗi sáng thức dậy, nhìn vào chuồng vịt gà thấy những quả trứng trăng trắng lăn lóc dưới đất. Còn những trái su su đã gọt vỏ sạch, nàng cũng cắt nhỏ ra, trộn với bo bo hay bắp xay đã nấu chín, trộn thêm vài con cá khô nướng thơm phưng phức, hai con chó lãnh phần mỗi con một tô lớn, còn mèo mỗi con một chén. Tối ăn thêm một lần nữa.
Hồng vẫn thường nghĩ nhờ nàng cố gắng một chút mà có chó giữ nhà, vì nhà Hồng toàn là đàn bà và con nít. Nhìn chó mèo nhà Hồng, ai cũng phải ngạc nhiên vì thời buổi nầy con người còn hốc hác thì làm gì đủ sức nuôi chó nuôi mèo. Mà chó mèo lông lại mướt, lại mập mạp. Họ có biết đâu chúng chỉ được nuôi dưỡng bằng su su. Cả hai con chó đều giữ nhà rất đắc lực. Cổng rào của nhà Hồng được gài kỹ, khóa kỹ mỗi khi ra vào. Nhưng có những lúc cả nhà vì bận việc, vì cười nói to quá nên không nghe tiếng người kêu cửa. Vậy là tiếp sau đó có tiếng la hét vang trời vì hai con chó không biết từ đâu đã nhảy tới người lạ, nhe răng ra, rồi giựt quần người ấy. Sau nầy nàng mới biết hai con chó đã moi một lỗ ở dưới hàng rào tường vi thông ra bên ngoài gần cổng rào, nên chúng đã chạy ra ngoài nhanh như vậy.
Chúng cũng biết chung vui với mẹ con Hồng. Khi đêm về Ðà Lạt thường rất lạnh, Hồng thường nấu một nồi khoai lang thêm vào vài ba trái su non. Thế là cả nhà ngồi lại, các con nàng cười nói vang nhà, kể chuyện xảy ra trong ngày, hai con chó, hai mèo cùng ngồi bên cạnh, lâu lâu hai con chó rên lên “i… ỉ…” như là chúng đòi ăn, còn hai con mèo chỉ nhìn theo củ khoai thôi. Hai con mắt của chúng như bị củ khoai thôi miên. Thế là lâu lâu chúng được miếng khoai, lâu lâu chúng được một miếng vỏ khoai. Con nào cũng có đôi mắt háo hức trong chờ đợi.
Hồng cảm thấy đỡ mệt, nên xuống bếp xem cô con gái bằm su su ra sao. Con gái Hồng đang cố gắng bằm vỏ su, nhưng chẳng được bao nhiêu. Nàng nhìn con gái cười, rồi nói:
- Con ơi! Mẹ đói lắm rồi, con cũng vậy thôi. Đi ăn cơm đi, ăn xong mẹ làm tiếp.
---------------
Hồng đang ngồi giặt áo cho các con. Tự nhiên sáng hôm nay, nàng cảm thấy buồn buồn trong lòng, mặc dầu bầu trời không có vẻ gì là âm u, vì ánh nắng nhè nhẹ đang lan dần trên vạn vật. Bỗng nàng nghe tiếng của con nàng:
- Thưa mẹ! Con mới về!
Nhìn vẻ mặt con không được vui, nàng hỏi:
- Sáng nay con đi đâu mà không nói cho mẹ biết?
Con nàng chậm rãi nói:
- Con đi khám sức khỏe với mấy bạn trong lớp con. Mẹ biết không, mấy đứa nó toàn được xếp hạng B, C, D không à. Chỉ có con là hạng A và phường cho biết con sẽ đi lao động trong kỳ tới nầy.
Hồng vừa nghe là la lên:
- Trời ơi! Con có mang kính cận theo không đó?
- Dạ không.
- Con có khai là con bị suyễn không?
Nàng nghe tiếng con nàng trả lời thật yếu ớt:
- Con quên rồi mẹ.
Hồng nghe xong, nàng lặng người, chung quanh nàng cũng lặng thinh. Rồi nàng nhìn con nói:
- Các bạn con cố gắng để có một giấy chứng sức khỏe thật tốt vì họ rất muốn được tuyển vào đại học, còn con thì tốt hay xấu con cũng phải thi hành nghĩa vụ lao động mà thôi. Con đâu phải là thành phần được chọn vào đại học mà chỉ yên lặng bình tĩnh chờ đợi ngày ra đi đoàn tụ gia đình.
Nước mắt Hồng đã chảy dài, nàng nói:
- Mẹ làm giấy tờ xin ra đi đoàn tụ gia đình là để cho các con được tiếp tục học hành, còn thân mẹ đâu có nghĩa lý gì. Ðây rồi giấy tờ về, việc con tính sao đây?
Nàng nghe có tiếng thút thít nho nhỏ, hình như thằng con nàng cũng khóc. Nó lặng yên, rồi nói:
- Con đi lao động là cực khổ lắm. Tụi bạn con nói những thanh niên lao động khỏe mạnh cũng bệnh hoạn phải về nhà thương nằm. Nhưng phải đi, biết làm sao. Ngoại, mẹ và hai em, có giấy tờ về cứ đi trước, còn con đi sau.
Nàng quay lại nhìn con nói:
- Con nghĩ việc đi như vậy là do mình quyết định sao. Mẹ làm sao tìm được con.
Nói rồi nàng lại khóc, nước mắt nàng rơi lả tả tưởng như không ngừng được. Một nỗi đau đớn, một nỗi thất vọng ê chề ồ ạt đến với nàng, nàng cảm thấy nàng sắp mất đứa con của mình. Ðứa con mà nàng đã nuôi bằng tất cả lòng thương yêu, bằng biết bao nhiêu giọt nước mắt, với một tấm thân hao gầy, nhưng nàng vẫn gắng gượng sống để làm việc nuôi ba con vì cha chúng bị tù đày, chỉ còn nàng chống đỡ nuôi các con. Hồng còn nhớ khi bà bác sĩ Việt cộng khám bệnh cho nàng, nhìn nàng nói:
- Nếu cô giáo tiếp tục dạy học nữa thì cô giáo sẽ chết sớm. Cô giáo cứ nhìn kỹ thân hình cô giáo xem, chỉ toàn da với xương.
Nghe bà bác sĩ nói vậy, nàng không sợ chết mà chỉ sợ, nàng mà nghỉ dạy thì ai sẽ nuôi ba đứa con của mình. Hồng đã năn nỉ bà bác sĩ cho nàng tiếp tục dạy, nàng sẽ cố gắng uống thuốc, chích thuốc đều đặn để chóng khỏi bệnh vì nàng chỉ nám phổi thôi.
Ðúng như lời người đời thường nói “trời xanh có mắt” cơn bệnh của nàng cũng qua, các con nàng ngày càng lớn. Khi con trai của nàng đã được 15, 16 tuổi nàng cương quyết nộp đơn xin được đoàn tụ gia đình đ
DANH MỤC TIN
Sản phẩm nổi bật
Sản phẩm Giảm giá
Sản phẩm mới
Tin tức mới