Những cây bông trắng _ (ngự thuyết)
11 tháng trước

Gởi Cao Huy Thuần, Nguyễn Đình Sơn


     Người đàn bà trẻ tuổi ngồi ở băng ghế trước mặt tôi, phía bên trái, sát với cửa kính xe, nói với người đàn ông ngồi cạnh bằng tiếng Việt Nam, giọng Huế: "Ô, ô, đẹp quá anh ơi!  Đẹp quá anh!  Thấy không, ngồi xe cao như ri mới thấy được hết.  Đẹp lắm!  Mà chán cái ông anh của tui chưa, hễ lên xe là ngủ như chết."
     Câu nói lạc lõng trên một chiếc xe đầy hành khách mà hầu hết không phải là người Việt Nam.  Nhưng tôi nghe kỹ.  Những dấu sắc biến thành dấu nặng, dấu nặng biến thành dấu huyền, không dấu biến thành dấu sắc, giọng Huế của người đàn bà lâu ngày tôi mới được nghe thu hút sự chú ý của tôi ngay. Nó nhè nhẹ, âm ấm, thân yêu, nũng nịu, như những tiếng, những lời tôi từng được nghe, đã lâu lắm.  Bây giờ  tôi thử tiếp tục lắng nghe lại từng hơi thở nhẹ này, từng âm thanh thoát ra từ chiếc cổ trắng và xinh này, và cái gáy trên đó tôi thử chăm chú nhìn những nhú tóc ngắn trông như những chúm lá thon bị che một phần bởi chiếc khăn voan mỏng quấn hờ, và những sợi tóc mai dài màu râu ngô mảnh như tơ dán lên hai bên má mịn màng âm ẩm mồ hôi.  Sao mà giống thế!  Vâng, trong xe nóng dù bên ngoài tháng sáu đầu mùa hè thời tiết vẫn còn mát mẻ do những cơn gió lồng lộng bay đến từ những đỉnh núi xa tuyết phủ.  Mình lại nghe lén, nhìn trộm, không thấy xấu hả, tôi tự bảo tôi.  Nhưng lần này tôi không cưỡng được thói xấu đó.  Tại sao vậy?
     Có lẽ sực nhớ ngay ghế sau của mình có một người Việt có thể nghe được mình nếu hắn không ngủ gà ngủ gật như anh chàng ngồi cạnh, mà quả hắn đang chú tâm theo dõi, người đàn bà vội quay đầu nhìn lui, hơi ngượng, đôi má có lớp phấn hồng mỏng đỏ thêm lên đôi chút, nói chữa thẹn: "Dạ, dạ, à mà... có phải đúng như rứa không ông?  Cảnh đẹp như ri mà người ta cứ ngủ li bì hoài không thưởng thức chi được cả, ngó hiện ngụy không?"
     Lại cái giọng thân mật ấy, như thể cô ta và tôi đã quen nhau từ lâu.  Tôi  đáp bằng một nụ cười gần như âu yếm, có lẽ là một nụ cười vô duyên nhất và không đúng lúc chút nào cả, và bằng một cái nhìn dài đồng ý, một cái nhìn cũng lệch lạc.  Hơi cau mày, người đàn bà vội vàng quay đầu lại đằng trước, nhìn mông ra ngoài, vẻ mặt lạnh lùng. 
     A, thế là không sòng phẳng rồi.  Hỏi thì tôi đáp, dù đáp dở hay hay, sao lại có thái độ như  thế?  Phật ý một cách dễ dàng vậy à?  Hay làm bộ lập nghiêm?  Nhưng quả thật tôi không muốn lợi dụng thời cơ lúc người đàn ông mải ngủ để sàm sỡ với người đàn bà.  Mà người đàn ông đó có quan hệ gì với người đàn bà kia?  Là "cái ông anh của tui"?  Chắc chắn không phải rồi.  Nói với anh đâu có cái giọng đó.  Là bạn trai?   Người yêu?  Chồng?  Tôi lại vớ vẩn!  Là gì đi nữa cũng là chuyện riêng của người ta, thắc mắc làm chi, bận tâm làm chi.  Nếu có muốn bận tâm thì cứ bận tâm vì giọng nói thủ thỉ đầy trìu mến của người ta lâu ngày tôi mới được nghe lại, dù người ta không định nói cho tôi nghe, giọng nói đã kéo tôi về một quá khứ nào đó.  Và cũng hãy cứ bận tâm thêm vì những cây bông trắng đã gây chấn động bất ngờ nơi tôi.  

     *

     Chiếc xe buýt cao, lớn, và dài, có hai tầng, tầng dưới chất đầy hành lý của chuyến đi xa, tầng trên chở trên 50 hành khách, vừa chạy trờ đến một quãng đường cong, hẹp.  Xe giảm tốc độ, tôi nhìn thấy rõ con suối nhỏ nước trong veo chạy song song một đoạn với chúng tôi rồi bẻ ngoặt qua bên phải lòn qua một cái cống rồi lại xuất hiện phía bên kia đường.  Hai bên bờ suối cỏ xanh mướt, dăm ba lùm cây không tên, thấp thoáng bông trắng.  Nắng tràn vào đột ngột qua lớp cửa kính lớn đóng kín bưng.  Ừ nhỉ, tại sao người ta không nghĩ đến chuyện mở cửa kính cho không khí vào, cho nắng sưởi ấm mà cứ khi thì mở máy lạnh, khi thì mở máy sưởi, trên chuyến đi dài qua nhiều vùng, nhiều biên giới, nhiều nước, và nhiều loại thời tiết như thế này?  Nắng vàng  chiếu nghiêng nghiêng, không gian thủy tinh trong suốt. 
     Chỉ mấy phút trước đó, bên kia ngọn đồi nhỏ, trời mây nhàn nhạt, mưa hạt nhỏ như sương mù, nước đọng lấm tấm vào kính xe không đủ làm thành dòng chảy xuống, mưa như những cơn mưa phùn không đủ làm ướt sân ga một lần tôi về nhìn lại quê nhà trước khi bỏ nước ra đi.  Tôi nhìn mưa, lòng trống rỗng.  Bỗng tôi chợt thấy những cụm bông trắng ẩn hiện trong đám lá xanh ướt loang loáng.  Tim tôi nhói lên một cái. Tôi cố tập trung nhìn kỹ, nhưng xe vượt lên nhanh quá, tôi không còn thấy chúng nó nữa ngoại trừ những lùm cây đứt quãng gồm nhiều thứ cây tôi không biết tên mọc dài dài ven xa lộ.  Tôi hồi hộp chờ những lùm cây phía đằng trước trong đó tôi hy vọng rằng sẽ có những cây bông trắng khác.  Vâng, may thay, những cụm bông trắng lại xuất hiện đây đó chen lẫn trong đám lá, đu đưa trong gió, trong mưa.  Chiếc xe cứ mải miết chạy, tôi nhìn lui, những bông trắng nhìn theo, rồi mất dạng.  Cứ thế lặp đi lặp lại trên  đường dài.  Đúng rồi, đúng là cùng một loại cây bông trắng đó, tôi nói thầm, nhưng trông nó to hơn, cao hơn.  Hay cũng có thể là thứ cây khác.  Xe cứ chạy liên miên như thế này mình làm sao nhìn kỹ được cái gì.  Thì muốn chắc, mình hãy mượn ống vi âm của cô hướng dẫn viên du lịch để được nói vài lời với tất cả hành khách rằng xin qúy vị thông cảm đồng ý cho xe dừng lại trong chốc lát cho tôi được nhảy xuống đường chạy tới những cây bông trắng nhìn cho rõ hơn xem có phải là những cây bông trắng tôi đang mong chờ hay không. Giá mà tôi có đủ lì lợm để có thể làm phiền người ta như thế!
     Trời đất một màu u ám, lòng tôi ảm đạm.  Tại sao vậy?  Tại vì mưa?  Không, tôi đã trải qua biết bao cơn mưa ở xứ người kể từ ngày tôi xa quê hương.  Mưa hiếm hoi ở Cali, mưa dai dẳng ở vùng Portland, Seattle, mưa và tuyết của Toronto hay Montreal.  Thì trời cứ việc mưa, tôi cứ việc quay kín kính xe, vặn nhanh cái gạt nước, mở to mắt nhìn cho rõ con đường mưa trước mặt.  Lòng bình thản, dửng dưng.  Thế mà bây giờ...  Tự nhiên đầu óc cứ nghĩ ngợi lôi thôi, nhớ những cơn mưa của những ngày mới lớn, bơ vơ, một mình nghe mưa rào rào trong vườn chuối, rộn rã trên mái nhà,  âm thầm trên đường phố. Trắng cả dòng sông, mờ cả núi non. Nghe nỗi nhớ đi về cùng với tiếng thủ thỉ của tình yêu không dệt bằng gấm bằng hoa mà bằng hoang mang và cô đơn.  Và những ngày thơ ấu cũng lần lượt hiện lên như trong một đoạn phim chiếu lại có tiếng cười trong veo, có đôi mắt sáng ngời, có tấm lòng ngây dại, và có những cơn mưa như pha lê mưa lên  những bụi cây bông trắng mọc bên bờ suối  sau nhà, bông trắng rung rung, nghiêng ngã, đám lá xanh ướt át nhỏ giọt ngắn giọt dài xuống dòng nước nổi bong bóng.  Ngồi bên cửa sổ nhìn mưa, chú bé nôn nao chờ con chim sâu mới làm tổ trong một bụi cây bông trắng thế nào cũng phải bay ra.  Mưa thế này mà không chịu bay đi tìm chỗ trú ở nơi khác sẽ ướt hết cả sao.  Chú bé lúc ấy thương xót con chim trong khi hôm trước và ngày sau vẫn hăm hở nhắm vào những cái ngực lông mượt trắng giương ná bắn.  Những con chim sâu, chim sẻ, chim hoàng oanh, chim chào mào từ cành cây cao rơi nhanh xuống như quả chín rụng, xác chim chạm đất nghe không thành tiếng, chỉ còn thấy rõ vài sợi lông vũ bứt ra từ thân chim bay lượn lờ trong gió. 
     Ô, nhưng mãi sao chú bé vẫn không thấy con chim trong bụi cây bông trắng động tĩnh!
     Chỉ mấy phút trước đó chiếc xe quá cao ấy đang còn phía bên kia ngọn đồi. Này anh, làm răng cái xe nó chạy lọt qua được cái hầm nhỏ tê rứa anh, người đàn bà xuýt xoa.  Ôn mệ ơi, lỡ nóc xe nó đụng cái hầm răng anh.  Tiếng nói đang làm duyên làm dáng.  Và đáp lại là tiếng thở đều đều của người đàn ông ngồi cạnh.  Cái anh chàng này đêm qua làm gì vậy để bây giờ ngủ như chết chẳng biết trời trăng là gì!  Cũng lạ, có người đi du lịch mà đêm thì lục đục trắng đêm, ngày thì chỉ lo mua sắm, hết bị này đến xách khác, rồi vừa mới lên xe là y như rằng hai con mắt cứ nhắm trít trước khi xe lăn bánh.  Thì làm sao nghe được những câu nói nũng nịu, yêu thương!  Không chừng người đàn bà này muốn gợi chuyện với tôi?  Là vì xe đã luồn qua biết bao nhiêu hầm rồi chứ có phải là chiếc hầm đầu tiên đâu mà đụng với chạm!  Nếu đụng thì đã đụng từ khi xe bắt đầu rời Salzburg hướng về phía đông để đi Vienna. 
     Nét mặt khá đẹp, đôi mắt xanh biếc, mái tóc vàng hoe và dáng người thanh tú của cô hướng dẫn viên du lịch người Áo bỗng hiện lên thật rõ nét trong trí tôi.  Cô nói tiếng Anh thành thạo, chốc chốc hất đầu ra phía sau cho mớ tóc vàng khỏi che hết nửa khuôn mặt: “Salzburg là nơi sinh của Mozart, ở đó có Viện Bảo Tàng Mozart, có ngôi nhà xưa kia Mozart từng ở.  Nhưng điều ngộ nghĩnh là lúc sinh thời Mozart ghét nơi quê hương của mình lắm, chỉ muốn đi Vienna, và sống ở Vienna khá lâu cho đến khi từ trần. Thiên tài âm nhạc ấy chết trẻ, lúc mới 35 tuổi đầu, tiếc thay!  Nhạc của Mozart, như qúy vị đã biết, là nhạc thần tiên, hay lắm, vui lắm, nhưng bên trong, bên giữa những âm thanh ấy thỉnh thoảng vẫn là nỗi băn khoăn, nỗi bất an khó nói thành lời.  Đến Vienna quý vị sẽ được nghe hòa tấu nhạc Mozart, xem thử tôi nói có đúng không.  Bây giờ tôi nói đùa chút nhé, tối nay vị nào không muốn nghe Mozart thì cứ việc ngủ, cố ngồi thẳng người, chứ đừng ngã người qua phải, qua trái, rồi ngáy khò khò. Thỉnh thoảng gục gặc cái đầu cũng được, như thể mình đang tán thưởng vậy."
Mọi người cười ồ.  Được thể cô ta nói tiếp:  "Về cách ăn mặt thì...trước kia khó  lắm, phải đúng điệu, bằng không, người gác cửa có quyền chận mình lại.  Nay dễ.  Như thế mới có nhiều người du lịch như qúy vị tới chứ, quý vị đâu có đủ thì giờ thay áo quần, lại có vị không mang theo đồ sộp lấy đâu mà thay.  Phải thực tế và giản tiện mới dễ hốt bạc chớ, miễn là quý vị đừng để lộ nhiều quá, lý do là nếu qúy vị để lộ, nhất là phái nữ, khán thính giả sẽ thưởng thức qúy vị thay vì nghe nhạc Mozart!”
     Cô hướng dẫn ngừng nói chờ những tiếng cười hưởng ứng của hành khách, xong tiếp tục: "Thôi, tôi xin trở lại thi hành nhiệm vụ. Salzburg tiếng Áo có nghĩa là đồi núi và lâu đài.  Tiếng Áo!  Hẳn qúy vị sắp bẻ tôi rằng làm gì có tiếng Áo, rằng người Áo nói tiếng Đức kia mà.  Đúng, nhưng thiếu.  Tiếng Đức cũng có năm bảy thứ, và người Áo chúng tôi nói thứ tiếng Đức nhẹ nhàng nhất, êm ái nhất, nghĩa là hay nhất, mà tôi gọi là tiếng Áo.  Nói thế có được không hả qúy vị?  Tôi phải nói thêm điều này để qúy vị hiểu  chúng tôi hơn.  Qúy vị biết không, xưa kia, chỉ vài trăm năm trước đây thôi chứ có lâu la gì, chúng tôi là một đế quốc mênh mông, lan rộng qua Đức,  Hòa Lan, Ý, và xưa hơn nữa, nước Áo từng bao gồm cả Ba Lan, Hung...Thế mà bây giờ... Nhưng thôi, hãy quên chuyện cũ ấy, hãy trở về với chuyến đi thú vị này, vì qúy vị còn phải make a tunnel tour and have a tunnel dance." 
     Vũ điệu đường hầm!  Cô này nói không đúng  rồi.  Hầm thì cũng có đó, nhưng  còn có cả những đồng bằng xanh tươi chạy theo con đường trường và bò đến nhiều chân trời xa chứ đâu phải chỉ có hầm với hầm!  "Điệu nhảy đường hầm" phải áp dụng cho quãng đường trên biên thùy từ Ý qua Pháp mới đúng, với trùng trùng núi non, với Địa Trung Hải thăm thẳm xa ở cánh trái, với Italian Riviera rồi French Riviera, huy hoàng, lộng lẫy, với lũ lượt hàng trăm hàng ngàn chiếc xe uốn lượn quanh co chui vào rồi lú ra khỏi gần 170 cái hầm dài ngắn đủ cỡ.
     Nắng lên vàng rực.  Nắng tràn vào xe.  Những tiếng càu nhàu ngái ngủ, những chiếc mũ vội để  lệch, những tấm màn cửa xe được kéo kín.  Không nhìn nhưng tôi vẫn thấy người đàn bà ngồi ghế trước kéo màn nửa chừng rồi đổi ý kéo lui chiếc màn trở về vị trí cũ.  Vừa sợ nắng, lại vừa muốn ngắm cảnh?  Phần tôi, tôi để nắng tha hồ vào và tôi để tôi nhìn cho rõ những tia nắng chiếu trên những cụm hoa màu trắng chen chúc trong những lùm cây bông trắng lá xanh mướt.  Lá hoa rập rờn kỷ niệm!  Nhưng kìa, mây thấp và mù từ xa lại lùa tới, trời đất lại đổi màu, và bông trắng của tôi sắp ủ dột.  Cô hướng dẫn du lịch nhanh nhẩu:  "Mùa này thời tiết ở đây luôn luôn như thế đó, hôm nay mưa, ngày mai nắng, ngày kia lại mưa.  Cứ thế, một ngày mưa, một ngày nắng, để chúng ta sắp đặt chương trình du ngoạn cho phù hợp với thời tiết.  Ô, ô,  mà không phải chỉ có thế!  Thiên nhiên bất trắc, sớm nắng, chiều mưa...là chuyện thường...và ngược lại, nghĩa là sớm mưa chiều nắng, vân vân."  Vài tiếng cười khúc khích.

     *

     Cây bông trắng!  Tôi không biết loài  cây này có tên gì khác hay không.  Hình như  không.  Nó có bông màu trắng nên người ta gọi nó là cây bông trắng, thế thôi.  Cũng như cây bông hồng là do hoa cuả nó màu hồng, mặc dù sau này nhờ kỹ thuật ghép giống, hoa hồng đã từ lâu mang nhiều màu khác nhau. Bông trắng của những cây bông trắng vẫn y như cũ, không ai tìm cách ghép giống cho nó, nó vẫn là những chiếc bông màu trắng mịn màng, gồm nhiều búp nhỏ, tròn, kết lại thành cụm trông giống như hoa mâm xôi, nhưng lớn hơn nhiều. Nó cũng trông na ná như những búp sú lơ (chou - fleur) mà người miền Bắc thường gọi là hoa lơ.  Bông nào to có thể lớn hơn một đĩa xôi nếp trắng phau đơm đầy nằm gọn trong đám lá xanh.  Thân cây khá cao, cao gần bằng cây ổi, cây khế, vỏ màu xám, nhiều cành mảnh khảnh chĩa ra thành từng nhánh nhỏ, nhiều nhánh chĩa đôi cân đối, mà lũ trẻ con chúng tôi chặt đem về nhà uốn lại cho đẹp, rồi hơ lửa, làm nạng ná bắn chim.  Lá của cây bông trắng trông gần giống như lá cây khoai mì, trước kia chúng tôi gọi là cây sắn, nhưng nhiều và xanh, kết lại thành chùm rậm rạp làm chỗ trú rất tốt cho chim sâu, chim sẻ.   
     Những cây bông  trắng thời thơ ấu của tôi  mọc bụi mọc bờ, mọc hoang, mọc ven theo những dòng suối, mon men đến mép những khu vườn trồng khoai tây, trồng cà chua, trồng đậu Hòa Lan, v.v... hay lạc vào  nghĩa địa nằm chênh chếch trên sườn đồi.  Hay may mắn hơn, năm bảy cụm cây bông trắng được cho phép đứng xúm xít gần ngôi trường nhỏ vừa mới cất cách thành phố Đà Lạt năm, sáu cây số.  Để ngôi trường hưởng một ít bóng mát và màu xanh.  Để những triền đất mới bồi khỏi bị sụt vì những trận mưa mùa hè.  Lũ trẻ con chúng tôi tha hồ dòm ngó, ngắm nghía những cây bông trắng, thấy thích là ngắt hoa cho vào cặp sách hoặc chặt những nhánh cân đối đem về làm nạng ná, không ai ngăn cản hoặc la rầy.  Và khi những cây ươn của nhà trường đủ lớn, đó là những cây keo, cây thông, cây liễu, cây tùng, thì những cây bông trắng bỏ đi nơi khác.  Bọn trẻ con, sau những ngày nghỉ cuối tuần, hôm thứ hai đến trường đi học lại, không thấy những cây bông trắng của chúng đâu cả, chạy lăng quăng tìm kiếm, ngẩn ngơ.
 
     *

     Cảnh đẹp qúa anh!  Tiếng nói của người đàn bà vẫn còn dư âm.  Đẹp quá?  Mà sao gọi là đẹp?  Những cánh đồøng ngăn nắp, xanh tươi, điểm lác đác những biệt thự cửa kính lớn, tường trắng, mái đỏ, ống khói vuông, bao quanh bởi dãy hàng rào thấp  có tính cách trang hoàng và làm dấu mốc hơn là để ngăn chặn, cản trở.  Như thế tức là đẹp?  Những lâu đài cổ, những lâu đài xây dựng như pháo đài, nằm trên sườn đồi, trên đỉnh đồi, có cái đã đổ nát, hoang phế, làm chứng tích cho những lớp sóng phế hưng của một Âu Châu ngày hôm qua già nua và đẫm máu, đó là một trong những định nghĩa thế nào là đẹp?  Hay đẹp là, như một làn sóng bạc đầu tràn qua ghềnh đá, bầy cừu từ đâu bên kia triền đất dốc bỗng hiện lên trắng cả một vùng rồi đổ xuống cánh đồng thoai thoải bên này theo sau là người chăn cừu và vài ba con chó?  Hay cái đẹp có thể tìm thấy trong tiếng reo: "Đó, đó, anh coi tề!  Đàn chim trắng, chắc là đàn bồ câu, đang bay là đà ngang qua những ngọn cây xanh, rồi bị cây che, rồi hiện ra lại, hướng về phía tháp nhà thờ cao thiệt là cao.  Đẹp qúa!" 
     Vâng, cảnh vật như thế cũng có thể đẹp lắm, nhưng tôi đang để hết tâm trí vào những cây bông trắng.  Hồi bé, tôi sống gần gũi với những cây bông trắng của thành phố ấy, thành phố độc nhất  tại quê nhà có cây bông trắng.  Rồi những ngày chạy loạn tôi rời xa thành phố một thời gian dài.  Về sau khi tôi có dịp trở lại Đà Lạt, tôi đi tìm thăm những hang dế, con dế lửa gáy vang lừng tuổi thơ, những ngôi nhà vách ghép bằng thân cây thông xẻ làm đôi còn nguyên vỏ dưới lũng thấp bên con đường cong cong trải đá, những buổi sáng tinh mơ sương mù tụ lại thành một lớp dày như mây trắng che kín hết mặt hồ, những con suối ngày đêm thao thức, những ngọn đồi cỏ xanh úp tròn trên vùng cao, những rừng thông vi vu trong gió, những thác ghềnh gào thét thôi thúc.  Và dĩ nhiên, tôi cũng đi tìm những cây bông trắng tuổi nhỏ của tôi.  Tôi gặp lại tất cả. Trong khi đó hoa hồng cũng kéo nhau về đầy những khu vườn của những nhà trồng trọt, những công viên, và trong hầu hết  các biệt thự, tư gia. 
     Gần đây, một người bạn của tôi về thăm quê hương, có ghé qua Đà Lạt, cho tôi biết vì tôi mà anh đi tìm những cây bông trắng, nhưng lạ quá, anh không thể tìm thấy một cây nào cả.  Tôi sửng sốt.  Tại sao thế?  Tôi chưa có câu trả lời, chỉ cảm thấy rằng đó là một mất mát lớn không có gì bù đắp nổi.
     Hồi bé tôi nghĩ rằng bông trắng của những cây bông trắng đẹp hơn hoa hồng.  Đó là cái nhìn của tuổi nhỏ ngây thơ trong sáng, và nó ám ảnh tôi mãi.  Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy. Tôi là tên tù chung thân của những cây bông trắng!  Có thể là như  thế mà cũng có thể rằng quan niệm về cái đẹp vốn  khác nhau, vốn tùy thuộc từng người, và đồng thời tùy thuộc rất nhiều yếu tố khác nữa.  Hình ảnh một nông dân khắc  khổ vác cuốc đi thăm hoa màu cằn cỗi của mình trên cánh đồng khô cỏ cháy vì bom đạn; hình ảnh một con chim hoảng hốt bay vèo mất dạng khi chợt thấy hai ba thằng con nít  giương ná, hoặc có khi người lớn chỉa súng, nhắm vào cái tổ mới xây của nó; hình ảnh những thuyền nhân đói khát rã rời trợn tròn mắt nhìn về phía một chấm đen nhỏ vừa hiện lên trên mặt biển mênh mông, không dám chớp mắt, sợ rằng cái chớp mắt sẽ khiến cho chấm đen biến mất; đó cũng là những hình ảnh đẹp, đẹp có kém gì quang cảnh ở hai bên con đường dài này với những cánh đồng xanh êm đềm, những lâu đài cổ uy nghi, những tháp nhà thờ cao ngất đang gióng chuông gọi chim bay về!
     Tôi nghe nói gần đây nhiều du khách đến thăm quê hương tôi.  Tôi nghĩ rằng có nhiều lý do.  Có người tò mò muốn biết một đất nước bị dày xéo trong chiến tranh ác liệt kéo dài đến mấy mươi năm, nay nó ra sao.  Có người đi nhìn cảnh khổ của người khác để cám ơn trời đã cho mình được sung sướng hơn.  Mà cũng có người muốn đi tìm cái đẹp.  Cái đẹp của một con thú đang liếm láp vết thương, cái đẹp của miền Bắc xơ xác, cái đẹp của miền Trung ngơ ngác, cái đẹp của Nam đang nuốt tiếng thở dài, cái đẹp của một đất nước vốn có nhiều truyền thống đang mất dần quá khứ.  Riêng tôi, tôi cũng sẽ về thăm.  Để làm gì, để tìm cái gì?  Tôi tự hỏi mãi.  Có điều chắc chắn là tôi sẽ đi tìm những cây bông trắng nay không biết có còn sống sót ở  một hang núi nào. 
     Bản nhạc "The Blue Danube" -- chúng tôi vẫn quen gọi "Le Beau Danube Bleu", vẫn nhớ lời Việt "Dòng Sông Xanh" rất lả lướt của Phạm Duy qua giọng hát cao vút, réo rắt, và truyền cảm  của Thái Thanh -- bỗng trỗi lên.  Cô hướng dẫn du lịch qủa đã biết chiều khách.  Điệu nhạc khi êm đềm, khi dìu dặt, khi náo động, khi thánh thót, khi xa xôi, khi gần gũi, tạo nên một cái gì như  là một dòng điện lan tỏa ra khắp mọi người.  Những người đang ngủ bỗng thức dậy thảng thốt.  Những người đang đọc sách, đọc báo cũng buông tay ngồi im  lắng nghe. 
     Bản nhạc chấm dứt một hồi lâu mới có người hỏi cô hướng dẫn người Áo một cách thật nhỏ nhẹ như sợ xúc phạm đến dư vang mà khúc nhạc còn để lại, rằng sông Danube có thật xanh như người ta nói không.  Câu trả lời kèm theo nụ cười hãnh diện, "... thì quý vị khi đến Vienna sẽ thấy rõ.  Sông Danube, chúng tôi gọi là Donau, chảy qua rất nhiều nước, qua Đức, Áo, Tiệp, Hung, Nam Tư,  Bảo Gia Lợi, Ukraine, và cuối cùng là Lỗ Mã Ni.  Nó bắt nguồn từ Rừng Đen (Black Forest) rồi chảy ra Biển Đen (Black Sea).  Ở những nơi khác tôi không chắc lắm, con sông có khi đen khi đỏ, rừng và biển mà còn đen huống là sông, thiên nhiên vốn khó lường mà, nhưng khi chảy qua Vienna, Danube là dòng sông xanh biếc.  Quý vị biết tại sao không?  Một phần là nhờ bản nhạc The Blue Danube của nhạc sĩ nước Áo Johann Strauss mà quý vị vừa nghe.  Âm thanh huyền diệu đó đã góp phần giữ cho con sông xanh mãi.  Nói đến nước Áo, nói đến thành Vienna, là phải nhắc đến The Blue Danube.  Cho nên chúng tôi qúy bản nhạc ấy  lắm, cũng như chúng tôi đã trân qúy những cổ vật mà qúy vị sắp được xem trong Lâu Đài Mùa Hạ của Nữ  Hoàng Maria Theresa, thế kỷ thứ 18, người mẹ của dân tộc Áo.  Chúng tôi trân trọng từ bức tranh, bức tượng, cái phòng đọc sách, cái đèn, cái giường, cái lò sưởi ...,  của Người, cho đến khóm hoa, ngọn cỏ trong vườn ngự uyển hay ngay cả những lùm cây mọc bên những con đường dài mà lúc sinh thời Người ưa thích, chúng tôi cũng lo tu bổ, giữ gìn từ đời này đến đời khác.  Bằng không, mọi thứ đều tiêu vong.  Thiên nhiên đầy bất trắc mà!"  
     Cô gái tóc vàng mắt xanh lắm chuyện này không chừng có khi nói đúng.  Thiên nhiên bất trắc!  Tôi bỗng nhớ đã đọc ở đâu một câu chí lý đại khái rằng nếu có những khi thiên nhiên nói dối thì cũng có lúc thiên nhiên nói thật.  Chiều nay con đường đi đến thành Vienna đang nói thật với tôi.  Này anh!  Những cây bông trắng ở nơi đây và ở quê nhà của anh đúng là cùng một loại đó anh.  Cho nên khi nào có dịp anh nhớ trở về đây thăm nhé!
     Vâng, một ngày nào đó tôi sẽ trở về, tôi sẽ tái ngộ chốn này để nhìn những cây bông trắng của nước Áo mọc phơi phới rải rác ven con đường dài dưới  những cơn mưa cơn nắng vội vã thay nhau đón đưa khách phương xa.  Nhưng đây có phải là chốn về của tôi không?  Tôi mong được trở lại, và sớm muộn gì tôi cũng phải ra đi.  Đi đâu?  Đi tìm những cây bông trắng lang thang.

NGỰ THUYẾT

Nguồn:dalatdauyeu

Tin tức mới

Scroll
.