Trang trại cà phê chồn tại lâm đồng
11 tháng trước

Uống cà phê là một thú vui thường nhật của nhiều người, bất kể ở thành thị hay nông thôn. Đến với Lâm Đồng, du khách không thể bỏ qua cơ hội thăm thú những vùng chuyên canh trồng cây cà phê và tìm hiểu quy trình sản xuất thức uống đầy mê hoặc này. Các trang trại cà phê chồn lại càng thu hút du khách bởi những đặc sản có giá trị đặc biệt được thế giới công nhận.

Đèo Tà Nung quanh co với những khúc ngoặt hiểm trở khó lòng cản nổi những ai muốn đến thăm tận mắt trang trại cà phê chồn Bảo An ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà. Các đoàn xe Easy Riders chở những vị khách hiếu kỳ đến với gia đình chú Lộc mỗi ngày, bất kể bạn là người Việt hay người nước ngoài đều được tiếp đón nồng nhiệt. Một ly cà phê chồn trong không khí thân mật giữa chủ và khách cũng đủ thỏa mãn những ai yêu thức uống đầy mê hoặc này. Song, nếu chỉ muốn đến thăm để biết loài chồn, ắt hẳn một vài người sẽ cảm thấy đồng cảm với ánh mắt trĩu nặng của con vật đang nằm trong lồng sắt trong khi du khách cứ qua lại và chụp hình.

Quy trình làm nên cà phê chồn

Muốn đến trang trại Bảo An, bạn phải vượt qua 20km đoạn đường từ trung tâm Đà Lạt, giữ vững tay lái qua đèo Tà Nung rồi chạy vào đường tỉnh 725. Xe đến, người hồ hởi, chuyến thăm viếng bắt đầu bằng cái bắt tay trìu mến và nụ cười tươi tắn của chú Lộc cùng gia đình.  Ngồi trên bộ ghế làm từ cây cà phê, những mẩu chuyện về quy trình làm nên cà phê chồn tạo nên sự kết nối đặc biệt giữa những người yêu thích thức uống được xem là đặc sản này.

 


Cà phê chồn ở Lâm Đồng. Ảnh: Một khay cà phê chồn đang được phơi nắng

 

Trang trại có cả thảy 30 con chồn, chính xác hơn là cầy vòi hương (tên khoa học Paradoxurus  Hermaohroditus). Chủng loại và số lượng chồn ở đây được chú Lộc nhân giống từ 3 cặp ban đầu mua từ Bảo Lộc. Được biết, mỗi gia đình nếu muốn chăn nuôi chồn bắt buộc phải được địa phương cấp phép và có giấy chứng nhận hẳn hoi.

Loại cà phê cho chồn ăn phải đạt mức chuẩn nhất định để đảm bảo chất lượng ngay từ đầu vào. Những quả chín mọng, không sâu mọt, không hóa chất sẽ được rửa sạch, để ráo nước và làm thức ăn cho chồn hương ngay trong ngày. Thông thường trong 1kg quả cà phê loại tốt, chồn sẽ ăn khoảng 300g (đạt tỷ lệ chọn 30%). Đối với những quả cà phê mà trước đó dơi hoặc chim đã ăn thì tỷ lệ chọn cao hơn, vào khoảng 70% - 80%. Bởi thế, ngay từ khâu trồng, nhà vườn phải đảm bảo cà phê sạch và cho trái trong điều kiện tốt.

 


Một chú chồn được thả bên ngoài.

 

Buổi tối là thời điểm thích hợp cho chồn ăn cà phê do bản tính hoạt động về đêm của loài động vật này. Sáng hôm sau, phân sẽ được thu gom và phơi gió trong 3 ngày để enzyme cũng như chất xạ hương có thể từ từ thẩm thấu vào bên trong cà phê. Khi đạt được độ khô tự nhiên nhất định, phân chồn sẽ được phơi ngoài nắng cho đến kiệt nước. Nhờ đó, hạt cà phê có thể được bảo quản trong vài năm mà vẫn giữ được hương vị đặc biệt. Quy trình cho chồn ăn và thu hoạch phân như trên diễn ra trong 2 – 3 ngày. Sau thời gian đó, khẩu phần ăn của chúng sẽ trở lại bình thường với côn trùng và các loại trái cây có vị ngọt khác.

Cà phê ở Lâm Đồng

Năm 2014, Lâm Đồng có hơn 150.000 ha trồng cà phê (nguồn: Bộ NN&PTNT, vietrade.gov.vn), đứng thứ hai sau Đak Lak, chủ yếu trồng các loại Robusta, Arabica và Cherry (hay còn gọi là cà phê mít).

Mỗi loại cà phê mang nhiều sắc thái hương vị khác nhau. Cherry có vị chua đậm, công chăm sóc đơn giản song thị trường tiêu thụ ít. Nếu Robusta có vị bùi bùi, thơm nồng, nồng độ cafein cao thích hợp với khẩu vị của người Việt thì vị chua nhẹ của Arabica (gồm có Moka và Caltimor) lại được khách nước ngoài ưa chuộng hơn cả. Trong cả ba loại thì Arabica có giá trị sản xuất cao nhất nhưng khá kén nơi trồng.

Arabica Cầu Đất rất được dân trong nghề ưa chuộng bởi hương vị tuyệt hảo so với các nơi khác trong toàn tỉnh Lâm Đồng, được thu hoạch vào tháng Giêng, tháng Hai âm lịch. Ngoài ra, Đạ Sa, Đạ Cháy cũng là những địa phương trồng Arabica nổi tiếng, đáng để khách đến viếng thăm và tìm mua loại cà phê hảo hạng làm quà tặng cho gia đình. Chất xạ hương của chồn càng làm cho hương vị của ly cà phê trở nên quyến rũ khó tả, để lại cảm giác ngây ngất và say đắm trong tâm thức bất kỳ ai từng được một lần thưởng thức qua.

 


Chú Lộc bên cạnh chuồng nuôi nhốt chồn.

 

Qua chia sẻ của chú Lộc, mỗi tách cà phê thơm ngon ẩn chứa công thức chế biến bí mật. Bên cạnh cà phê, người pha chế ở đây thường cho thêm mắm nhĩ, muối và bơ. Tỷ lệ các loại phụ gia được giữ kín như bưng và mỗi hộ gia đình có một công thức riêng biệt, tùy theo khẩu vị và sở thích.

Trải nghiệm hương vị cà phê chồn

Ly cà phê với tỷ lệ pha trộn tuyệt mật hấp dẫn bằng sắc nâu sóng sánh và hương thơm khó cưỡng. Một bát nước nóng được đặt bên dưới để hương thơm tỏa ra dày hơn, nồng nàn và quyến rũ du khách. Việc chọn một ly cà phê chồn không đường, không đá sẽ giúp bạn cảm nhận hết tinh túy của thức uống này. Khác hẳn với vị đắng thông thường, cà phê chồn mang có vị bùi ngùi, đậm đà đặc trưng của chất xạ hương. Chất chua thanh tao của loại cà phê Arabica đem đến một cảm giác thoải mái và ngây ngất, tưa như người đang yêu có một sức hấp dẫn khó có thể chối từ.

Khai thác điểm du lịch hộ gia đình

Điểm du lịch theo kiểu hộ gia đình như ở trang trại Bảo An của chú Lộc đang dần phát triển tại Lâm Đồng, đặc biệt đối với những hộ đang chăn nuôi chồn để làm cà phê đặc sản. Trong những năm qua, việc khai thác cà phê chồn và nhân giống tràn lan đã làm thị trường biến động dữ dội. Đỉnh điểm nhất là khi giá cà phê đạt giá kỷ lục trên 3000 USD/ kg, cao hơn nhiều so với thương hiệu cà phê chồn từ Indonesia là Kopi Luwak, vốn được cả thế giới biết đến. “Người sành điệu không thể bỏ qua hương vị tuyệt hảo của cà phê chồn, song cũng khá e dè khi phải bỏ qua một khoản tiền không nhỏ (tầm 200.000 đồng) chỉ để thưởng thức một ly cà phê”, chú Lộc chia sẻ. Tại các thành phố lớn, việc cà phê chồn thật giả lẫn lộn, đội giá vô hình chung làm mất đi giá trị cao cấp mà đặc sản này đem lại.

Hơn thế nữa, nhìn loài chồn bị bó buộc trong khoảng không gian của lồng nuôi nhốt không khỏi làm nhiều vị khách cảm thấy xót xa, có người thậm chí đã khóc khi nhìn thấy cảnh tượng này. Dù được nhân giống song bản tính hoang dã của chúng vẫn được giữ nguyên: sống về đêm và hay ngủ ngày. Nếu không cẩn thận, lề lối sinh hoạt của loài vật này có thể bị ảnh hưởng chỉ bằng tiếng bước chân hay âm thanh lớn từ cuộc trò chuyện của khách ghé thăm.

 


Chồn trong chuồng nuôi


 

Nguồn citypassguide.com

Tin tức mới

Scroll
.