Chiều trên hồ tuyền lâm _ (điệp mỹ linh) phần 2
11 tháng trước

 

2.dalat7.jpg&mode=width&size=868x553 - 228.74 Kb

 

Chiều hôm đó, Phong hỏi Bảo-Trân ước muốn điều gì? Bảo-Trân đáp: “Ðiều mơ ước của em là, sau khi các con thành đạt, em sẽ về tu tại Trúc-Lâm Thiền-viện. Nhưng trước khi trở thành ni cô, em sẽ mua một mảnh đất nho nhỏ cạnh Trúc-Lâm Thiền-viện để trồng lan.” Phong tròn mắt: “Em đi tu rồi anh sống với ai?” Nhìn ánh mắt và nét mặt của Phong, Bảo-Trân hiểu Phong nói rất thật lòng, nhưng Bảo-Trân vẫn đáp: “Em đã thưa với anh từ lâu rồi. Câu chuyện giữa anh và em không thể nào đưa đến một happy ending được.” Phong có vẻ không vừa ý: “Ðã biết bao nhiêu lần anh khuyên em đừng nên nói đến điềm gỡ. Em nhớ không?” Bảo-Trân đáp: “Hãy thực tế đi, anh.” Phong nhìn nàng, nghiêm nét mặt: “Thực tế gì? Chuyện gia đình của anh phải không? Mấy mươi năm qua anh đã hết lòng, hết bổn phận của anh đối với vợ con anh rồi; những ngày còn lại cuối đời anh, anh phải sống cho anh. Bi-En-Ti là một người đàn bà tự ái rất cao. Anh chỉ cần cho nàng biết anh đã gặp lại người xưa là Bi-En-Ti sẽ trả tự do cho anh ngay.” Bảo-Trân chẳng biết nói gì, chỉ im lặng nhìn khóm crown of thorn đầy gai. Phong cũng im lặng một lúc rồi tiếp: “Anh đã mất em hơn nửa đời anh rồi; bây giờ tìm lại được em, không bao giờ anh để mất em một lần nữa đâu.” Bảo-Trân xúc động nhưng vẫn phải nêu ra trở ngại khác: “Xin anh đừng quên rằng em còn phải về Việt-Nam để tìm hiểu tình trạng của anh Hoan.” Phong vẫn không chùn bước: “Anh không quên. Em nên tìm hiểu sự thật về anh Hoan, càng sớm càng tốt. Riêng anh, thời gian còn lại cuối đời anh, anh chỉ muốn được sống với em thôi. Bằng mọi cách, anh phải thực hiện ước muốn đó.”

Ước muốn đó, chỉ cách đây một đêm, cả Phong và Bảo-Trân đều tưởng rằng sẽ thực hiện được vào một ngày không xa. Nhưng, tối hôm qua, sau khi từ giã Phong, về đến nhà dì dượng Mười, Bảo-Trân nhận được điện thoại của cô con gái lớn. Cô con gái bảo rằng bác sĩ Lambert muốn Bảo-Trân đến văn phòng ông càng sớm càng tốt; vì kết quả thí nghiệm thường niên của Bảo-Trân kỳ này có dấu hiệu nghi ngờ. Bác sĩ Lambert muốn thực hiện gấp một thí nghiệm khác để xác định bệnh trạng. Nhờ tâm đã tịnh và biết chấp nhận lẽ vô thường của tạo vật, Bảo-Trân chỉ hơi xúc động chứ không hoảng hốt: “Măng nghĩ, có thân thì có bệnh. Bệnh chi chứ bệnh đó, nếu măng mắc phải, thì một vài tuần cũng chẳng thay đổi được chi đâu, con. Cũng may măng về thăm quê nhà, nếu không, rủi bác sĩ bắt nhập viện thì có lẽ không bao giờ măng còn dịp nhìn lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Thôi, con đừng lo. Con gọi văn phòng bác sĩ Lambert, giải thích với họ và lấy cái hẹn cho măng vào tuần cuối của tháng này. Măng phải tìm gặp Ba, đó là mục đích của chuyến đi này, con nhớ không?”

Gác điện thoại xong, Bảo-Trân thao thức, trằn trọc với muôn vàn nỗi đắng cay. Bảo-Trân ôn lại đời mình và bất giác nghĩ đến hai câu thơ của Chế-Lan-Viên mà ngày xưa, sau khi thành hôn với Hoan ít lâu, nàng thường nghĩ đến mỗi khi khóc thầm vì bị Hoan bội bạc: “Ðời tôi tất cả đều vô nghĩa; Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!” Khi gặp được người yêu nàng thật lòng thì, ngoài vấn đề mặc cảm tội lỗi, Bảo-Trân lại bị vấn đề sức khỏe chi phối. Ðịnh-mệnh quả thật đã nghiệt ngã đối với nàng. Cuộc đời nàng đã trải qua những tháng năm dài thiếu vắng tình yêu; nếu sau này không có mối tình của Phong, Bảo-Trân nghĩ, nàng cũng sẽ âm thầm vượt qua được đoạn đường đời còn lại. Thôi, thà chịu khổ đau một mình hơn là kéo Phong vào vòng hệ lụy và tạo niềm thống hận trong lòng Tuyết-Nhung!

Sau khi đã chọn cho mình thái độ sống, giấc ngủ đến với Bảo-Trân một cách êm đềm.

Chiều nay, cũng với cõi lòng không dậy sóng, Bảo-Trân ư hử một điệu nhạc tình và bước đến điểm hẹn.

Từ điểm hẹn, Bảo-Trân nhìn vu vơ vào vùng không gian im vắng, được vây quanh bằng cả rừng thông xanh. Ngoài tiếng thì thầm bất tuyệt của ngàn thông, Bảo-Trân không nghe một âm thanh nào khác nữa. Bảo-Trân có cảm tưởng như nàng đã thật sự xa cách cuộc sống xô bồ và đảo điên của loài người. Ý nghĩ này giúp những ưu phiền trong hồn Bảo-Trân lắng xuống một cách êm ả như mặt nước đùng đục của Hồ Tuyền-Lâm.
 
Trên mặt nước của Hồ Tuyền-Lâm, vài chiếc thuyền con đang phơi mình trong nắng nhạt để đợi khách nhàn du. Bất chợt một cô bé đi về phía Bảo-Trân và mời Bảo-Trân mua những bức tranh thêu tay, trên lụa. Nhìn những bức tranh được thêu một cách công phu và mỹ thuật, Bảo-Trân chợt nhớ đến chữ “P” và chữ “T” mà Phong thường viết lồng vào nhau một cách tuyệt mỹ, dưới câu “Thương nhớ em nhiều, rất nhiều, nhiều lắm” trong những bức thư chàng gửi cho nàng. Khi thấy bức tranh thêu bốn câu thơ của Thượng-Tọa Thích-Minh-Thông và một vị tu sĩ ngồi bên triền núi, dưới ánh trăng non, Bảo-Trân thích, mua ngay, không mặc cả.

Sau khi bán được món hàng với giá khá cao, cô bé vui mừng, đi về hướng những bậc cấp cao trong khi lòng Bảo-Trân chùng xuống thật thấp vì bốn câu thơ của Thượng Tọa Thích Minh Thông: “Vượt hết non cao, vực thẳm rồi. Bên đường bỗng thấy sắc hoa tươi. Mới hay siêu, đọa do mình cả. Mà cõi Mười Phương cũng huyễn thôi.” Nếu cõi Mười Phương mà cũng huyễn thì loài người bám víu vào đâu vào những lúc bị đời vùi dập? Nếu cõi Mười Phương mà cũng huyễn thì tại sao niềm khổ đau lại có thật? Nếu sự khổ đau không có thật thì những nơi thờ phụng tôn nghiêm dùng để làm gì? Ðôi khi, chính Bảo-Trân cũng hồ nghi...

Bảo-Trân vừa nghĩ đến đây chợt nghe tiếng Phong:

- Em đợi anh lâu không?

Bảo-Trân giật mình, hơi lúng túng, vì thật tâm nàng đang suy gẫm về ý nghĩa của bốn câu thơ, nhất là câu thứ ba, chứ nàng không có ý đợi chàng. Phong tiếp:

- Mình đi dạo vòng bờ hồ rồi tý nữa mình thuê ghe chèo vào trong xa chơi. Em nghĩ sao?

Bảo-Trân cố giữ nét mặt bình thản, nhìn Phong, cười, tỏ vẻ hưởng ứng rồi vin vào bàn tay Phong, đứng lên. Cả hai lại im lặng, chầm chậm đi bên nhau. Dường như cả Phong và Bảo-Trân đều thích những giây phút như vậỵ Ði được một đoạn khá xa, Phong cảm biết dường như Bảo-Trân có điều chi bất ổn cho nên nét mặt nàng trông buồn rười rượi:

- Em có gì lo nghĩ, nói anh nghe, được không, em?

Bảo-Trân gượng cười, lắc đầu. Phong tiếp:

- Chắc em buồn vì anh đến hơi trễ, phải không?

- Dạ ... Dạ ... không.

- Hay là em mỏi chân? Thôi, mình đến thuê ghe, nhé.

Chiếc thuyền nhỏ đưa Phong và Bảo-Trân rời bến được một chốc thì cơn mưa mây gieo xuống những sợi nước trong suốt, long lanh, rơi đều đặn, tạo những vòng tròn nhỏ xíu trên mặt hồ đã sóng sánh vì mái chèo của cô bé chèo đò. Như đã chuẩn bị từ trước, cô bé chèo đò lấy nón đội rồi trao cho Phong cây dù.

Bảo-Trân tựa vào vai Phong để cả hai cùng núp mưa dưới chiếc dù. Cả hai cùng im lặng, lắng nghe tiếng mưa rơi nhè nhẹ trên làn vải đen của cây dù. Một lúc lâu lắm, Phong hơi nghiêng sang Bảo-Trân:

- Em đang nghĩ gì, Bảo-Trân?

- Dạ, em đang ... tập...

- Tập? Tập cái gì?

- Dạ....Tập... tập...quên anh.

- Bây giờ đâu phải là tháng Tư mà có April’s Fool?

- Em không dám đùa với anh đâu.

- Vậy thì tại sao em nói như vậy?

- Suốt cuộc đời em, lúc nào em cũng phải phấn đấu, phải tranh giành, phải dấn thân tự tạo để có được những gì em thích, những cái em muốn. Riêng về tình yêu, em cũng phấn đấu, cũng níu giữ, cũng giành giật, nhưng em đã hoàn toàn thất bại. Bây giờ, em mệt mỏi và chán chường, em không còn nghị lực để phấn đấu nữa.

- Anh chẳng hiểu gì cả. Tại sao em lại bi quan?

Bảo-Trân cúi mặt, không dám nói thật với Phong nỗi lo âu, niềm đau khổ đang xâu xé trong lòng. Phong tiếp:

- Mai em đi rồi. Thời gian mình gặp nhau đâu còn bao lâu. Khi trở lại Hoa-Kỳ, em phương Bắc, anh phương Nam, mỗi năm chưa chắc đã gặp nhau được một lần, sao em cứ làm khổ nhau?
 
- Em đâu muốn làm anh khổ; vì anh buồn thì em cũng khổ tâm lắm, anh biết không?

- Nếu vậy thì tại sao? Anh nghĩ, vào lứa tuổi của hai đứa mình thì đâu còn những giây phút nông nổi, bồng bột nữa, phải không, em? 
 
- Em đã suy nghĩ rồi chứ em không bồng bột và nông nổi đâu. Em xin anh hãy xem em như người em gái hay là người bạn nhỏ của anh thôi.

- Tại sao em dối lòng và em buộc anh phải chấp nhận một điều trái với ước muốn của anh?

- Em dối lòng, đúng. Nhưng nếu anh thật tâm thương em thì xin anh chấp nhận sự dối lòng đó của em. Anh hứa đi, anh.

- Anh không thể hứa như vậy được.

Bảo-Trân thường tâm niệm là sẽ yêu thương Phong hết lòng và sẽ đem hạnh phúc đến cho Phong trong khoảng đời còn lại của hai người chứ không bao giờ Bảo-Trân muốn Phong là người sẽ nhận chịu những bất hạnh của nàng. Ðó là tất cả sự thật, nhưng Bảo-Trân không dám nói, lại tìm lý do khác để che giấu niềm đắng cay:

- Thưa anh, giữa anh Hoan và em còn các cháu. Em không muốn bị các cháu trách cứ em.

Phong có vẻ thảng thốt vì tưởng nhầm rằng Bảo-Trân vẫn còn yêu Hoan. Lòng Phong tái tê như ngày nào được mấy người em con ông chú báo tin rằng gia đình dì dượng Mười cho hay Bảo-Trân đã thành hôn với Hoan, tại Nhatrang! Phong trầm ngâm một lúc lâu lắm rồi nói ra nỗi xót xa của chàng:

- Anh đã nghĩ đến điều đó. Và chính anh, đôi khi anh cũng đã nói với em, anh không muốn làm người tệ bạc đối với anh Hoan. Em nhớ không? Nhưng vì thương yêu em, anh gạt bỏ tất cả. Bây giờ...

Bảo-Trân lặng lẽ cúi đầu để Phong không thấy khuôn mặt não nùng và hai hàng nước mắt đang lả chả rơi. Phong tiếp:

- Hay là mình cứ sống trong sạch, bình thản như bấy lâu nay, để giòng đời đưa đẩy, em nghĩ sao?

Bảo-Trân chợt nghĩ đến câu “Mới hay siêu, đọa do mình cả” cho nên ngại ngùng:

- Dạ, em nghĩ chắc không được; vì nếu như vậy thì em cũng có tội về tinh thần đối với Bi-En-Ti và Ô-En-Ti.

Ðang buồn, đang xúc động, Phong cũng phải bật cười vì nghe ba tiếng Ô-En-Ti (O.N.T. viết tắt của Ông Nhà Tôi) mà Bảo-Trân vừa nói để đối với ba chữ B.N.T. do Phong đặt ra.

- Anh chịu thua em. Bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu em cũng có thể ứng dụng những câu thơ của anh để diễn đạt tâm trạng của em; và bất cứ điều chi anh nói ra em cũng đối đáp một cách dí dỏm. Người như vậy mà cứ đòi làm em gái của anh thôi thì có chết anh không!

- Không cho em làm em gái thì cho em làm học trò của anh, chịu hôn?

- Anh không đủ khả năng để làm thầy một người tài hoa và thông minh như em.

- Thôi, anh à. Thà như vậy mà đẹp, chạm vào thực tế sẽ ủ ê.

Phong chỉ biết thở dài. Những ngày sắp đến, trong những sinh hoạt văn chương của chàng sẽ thiếu vắng sự cảm thông, sự góp ý và sự khuyến khích ân cần của Bảo-Trân. Phong không hiểu chàng sẽ phải sống như thế nào; nhưng Phong rất sợ phải trở lại cuộc sống thầm lặng, nhàm chán, thiếu cảm hứng sáng tác mà lại phải nghe những lời đay nghiến của Tuyết-Nhung: “Ai làm bác sĩ cũng giàu nức khố đổ vách; còn anh là bác sĩ mà tối ngày chỉ lo thơ với thẩn thôi!” Một lúc lâu lắm, Phong bảo:

- Trong khi anh Hoan chưa sang đoàn tụ, bất cứ lúc nào em và các cháu cần gì, cứ e-mail hoặc điện thoại cho anh. Anh hứa sẽ lo cho em và các con của em trong tất cả mọi trường hợp.

- Xin cảm ơn anh. Mẹ con em đã sống tự lập bao nhiêu năm nay nên cũng quen rồi. Em chỉ cần thỉnh thoảng anh e-mail cho em vài dòng để em biết anh bình an hay không, cho em đỡ lo.

Cả hai lại im lặng, cùng nén vào lòng niềm buồn thảm và nỗi xót xa. Trong khi lòng Bảo-Trân nát tan vì nghĩ đến chuỗi ngày quạnh hiu cuối đời thì Phong nắm bàn tay Bảo-Trân và cảm biết niềm thất vọng đang kéo về, len nhè nhẹ vào từng tĩnh mạch, chạy về tim. Vừa khi ấy, từ cõi lòng tan tác của Phong, ý thơ dâng lên, thể hiện được tất cả tâm trạng sầu héo của chàng và Bảo-Trân: 
 
Nghìn trùng tâm tưởng, thôi đành đoạn. 
Ai nhớ thương ai cũng ngại ngùng. (5) 

 

Xem lại phần 1


ĐIỆP-MỸ-LINH

http://www.diepmylinh.com

(1)(2) (3) (4) (5) T Trích từ tập thơ Nửa Ðời Thương Ðau của Hoàng-Vũ-Bão.

dml20speaking-11.jpg&mode=width&size=868x553 - 10.62 Kb

Tin tức mới

Scroll
.