Ai đã ở Đà-Lạt, hoặc đã qua thăm nơi “Hoàng Triều Cương Tổ” thơ mộng thuộc miền Cao-Nguyên Trung phần Việt-Nam này rồi, đều để ý tới một ngôi biệt thự tọa lạc trên một ngọn đồi nằm trên đường Tiền-Quan-Thành ngã ba đường quẹo ra Trại Hầm.
Ngôi biệt thự này rất lớn, có lầu cao: lầu dưới lầu trên đều có phòng khách và mười phòng ngủ rộng thênh thang. Từ khi xây cất lên, tường phía ngoài luôn luôn quét vôi trắng, nên dân Đà Lạt đặt cho nó cái tên là “Nhà Trắng”, khiến ai mới nghe thấy cũng liên tưởng tới tòa “Bạch Ốc” tại thủ đô Hoa Kỳ Washington D.C.
Chủ nhân Nhà Trắng là một phú ông danh tiếng, thân sinh của một vị “mẫu nghi thiên hạ” không những rất đẹp, đức độ lại rất cao, được nhân dân kính yêu, tuy đã quá cố nhưng vẫn thường được giới phụ nữ Việt Nam nhắc đến huy hiệu khi thấy chiếc khăn vành dây vàng đa số các cô dâu dùng đội đầu trong ngày lễ vu quy.
Từ ngôi biệt thự huy hoàng này xuống đến chân đồi, còn một dẫy ba biệt thự nhỏ hơn nhưng không kém phần mỷ lệ. Không hiểu vì lẽ gì tất cả những biệt thự này thuộc quyền xử dụng của Trung Tâm Nguyên Tử Lực Cuộc. Những nhân viên gia đình đông được cấp riêng một biệt thự nhỏ, nhân viên độc thân hay chỉ có hai vợ chồng thì được cấp một hay hai phòng trong Nhà Trắng.
Tôi chưa có vợ nên được ở một phòng lầu trên có sẵn đồ đạc lịch sự. Người ta đồn Nhà Trắng có ma; nhưng thân danh là một khoa học gia chẳng lẽ lại sợ ma! Vả lại ở lầu dưới có hai vợ chồng một đồng nghiệp ở đã mấy tháng rất yên ổn, tuy thỉnh thoảng thấy có những tiếng động khác thường như tiếng giầy tiếng guốc hay tiếng rên rỉ chốc lát.
Chị Lễ nói: “ Hình như có ma thật, nhưng không thấy trêu ghẹo chúng tôi bao giờ cả, nên chúng tôi yên tâm ở không sợ gì cả.”
Anh Lễ trêu vợ, nói: “Nhưng em có dám xuống dưới hầm một mình đâu.” Chị đáp: “Hầm sâu thăm thẳm và âm u, đi với anh em còn thấy rờn rợn. Ai mà dám xuống một mình. Hơn nữa chẳng có việc gì thì xuống làm chi.”
Dọn tới Nhà Trắng, tôi chỉ có hai chiếc va ly quần áo, một hộp đựng chiếc đàn tranh mười sáu dây và hai ống tiêu. Tôi mua thêm một bếp điện, một cái nồi, một ấm đun nước điện cùng vài đồ dùng làm bếp núc.
Tôi ở đến nửa tháng rồi, không thấy có ma quỷ gì cả, vả công việc bận rộn cũng làm tôi quên bẵng hẳn chuyện nhà có ma. Nhưng rồi một đêm có những tiếng động nhẹ ở trong phòng, nơi góc phòng tôi làm bếp. Tôi bật đèn lên thì không thấy gì cả. Sáng dậy tôi định đun nước pha cà phê, thì ngạc nhiên thấy sợi dây điện luôn luôn lắp sẳn vào ấm đã rớt ra ngoài. Cách hai hôm sau, sợi dây lại bị rút ra một lần nữa. Tôi biết là có “người” muốn trêu tôi, nhưng mặc khi “người ta” không đụng tới người tôi.
Một đêm cuối tuần đi dự dạ hội về khuya, bước chân lên nửa cầu thang tôi nghe thấy có tiếng tiêu và khi bước vào hành lang thì nghe tiếng tiêu từ trong phòng tôi đưa ra, tôi chắc như vậy vì trên lầu có một mình tôi ở. Ai đã đến thăm tôi khuya khoắc không báo trước, mà lại biết thổi tiêu nữa? Nhưng khi mở cửa phòng, bật đèn lên, tôi thấy phòng trống, nhìn lên vách hai ống tiêu vẫn treo nguyên đó! Tôi nghĩ mình nghe lầm, có lẽ tiếng tiêu từ một biệt thự lân cận vang tới.
Một lát sau, nghe có tiếng “cạch” ở cửa, tôi quay lại: cửa vẫn đóng, nhưng ngoài hành lang có tiếng giầy hay tiếng guốc cao gót khua lộc cộc. Tôi chạy nhanh mở cửa ra coi thì thấy thoáng có một bóng trắng vút đi vào một cửa phòng. Tôi chạy theo, định mở cửa vào coi, thì cửa khóa, không mở được. Tôi lẩm bẩm: “Sao trêu nhau hoài!”
Có lẽ thấy tôi trách nên bẵng đi một tháng, “người ta” không trêu tôi nữa. Rồi một đêm tiếng cạch cửa đã đáng thức tôi dậy. Tôi mở mắt nhìn, thấy cửa vẫn đóng. Khoảng dăm phút sau có tiếng tiêu văng vẳng đưa lại. Tôi lắng nghe hết bài Nam Bình sang Nam Ai, điệu nhạc buồn ru tôi ngủ thiếp đi.
Sự việc này cứ năm bẩy đêm lại xẩy ra một lần. Trước khi nghe thấy tiếng tiêu véo von, bao giờ tôi cũng nghe thấy tiếng “cạch” ở cửa đánh thức tôi dậy.
Một đêm thức giấc, tôi thấy một làn gió lạnh đưa một bóng trắng lọt vào phòng. Tôi nằm yên theo dõi hành động thì thấy bóng đó tới bên chiếc bàn làm việc kê gần giường tôi, vói tay lấy một ống tiêu rồi nhẹ nhàng thoăn thoắt đi ra, khép cửa lại: tiếng ổ khóa kêu “cạch” một cái. Mấy phút sau tiếng tiêu ai oán từ cuối hành lang vang lại.
Thì ra “người ta” lấy tiêu của tôi chơi, tình cờ đêm nay bắt gặp hiển nhiên, tôi nằm khắc khoải suy nghĩ: “không biết con ma này là nam hay nữ? kể ra cũng hiền, chỉ trêu mình mấy buổi đầu, nghịch cái ấm điện; nhưng nay lại lấy ống tiêu mình thổi, không biết rồi ra có phá phách gì tai hại không?....À mà trong hai tháng qua, mình cũng thổi tiêu…ý, bỏ mẹ, thổi chung với ma, ghê quá! Ban ngày hai ống tiêu vẫn treo trên vách, như vậy tức là nó thổi xong lại đem vào treo trả mình, mình ngủ chẳng biết gì cả, nếu không có tiếng ổ khóa thỉnh thoảng đánh thức mình dậy. Hôm nay biết thóp bu cu cậu-hứ, ngộ nó là ma cái thì gọi là gì? Chả lẽ gọi là cu cô à?-Nhất định hôm nay phải kiếm cách xem cho biết đực hay cái, đẹp hay xấu. Lỡ gặp bộ mặt giống quỷ dạ xoa thì khiếp quá!.”
Tôi lập kế, nằm nhích người ra gầm mép giường để cố bắt ma tại trận, thì cửa mở đưa một luồng hơi lạnh với bóng ma áo trắng vào. Bóng trắng lướt tới giửa bàn và giường để treo ống tiêu. Tôi đưa ngay tay ra nắm lấy cổ tay cầm ống tiêu: tôi đã nắm vào khoảng trống, bóng ma vụt biến mất, để rớt ống tiêu xuống sàn. Tôi nói: “Sao lại biến đi! Có gan vào tận phòng người ta lấy đồ mà không có gan lộ mặt ngồi chơi xơi nước. Tôi chỉ muốn giữ lại nói chuyện âm nhạc chơi cho đỡ buồn, vì nghe tiếng tiêu ai oán quá.”
Đợi mãi không thấy ma hiện, lại nghe tiếng cửa đóng cạch một tiếng, tôi biết ma đã rút lui, tôi nhắm mắt ngủ lại.
Hai ngày sau, được nghĩ cuối tùan, tôi đi chơi khuya mới về. Chưa kịp thay quần áo thì có tiếng gõ cửa. Tôi im tiếng nghe ngóng. Lại hai tiếng gõ nữa. Tôi tới gần cửa hỏi: “Ai?” Tiếng đàn bà đáp: “Thưa em, xin cảm phiền cho em vài thưa chuyện.”
Tôi mở cửa. Một thiếu nữ lạ mặt, nhoẻn miệng cười, để lộ hai đồng tiền lúm trên đôi má trắng xanh, chắp tay chào tôi lễ phép. Tôi chào lại và mời vào. Thiếu nữ mặt toàn đồ trắng, tha thướt bước vào và nói:
-Em xin lỗi đường đột. Em ở nhà dưới. Từ hôm anh dọn lại đây, em chưa có dịp ra mắt.
Tôi ngạc nhiên, vì không nghe nói có người mới tới ở. Tôi hỏi:
-Cô ở lầu dưới!...Gia đình có ai làm ở Nguyên tử lực Cuộc?
-Em ở có một mình. Gia đình em dọn đi từ lâu lắm rồi. Em tên Lan.
-Rất vui được biết cô. Tôi tên Thân. Mời cô ngồi. Từ hôm dọn tới đây, tôi bận nhiều công chuyện nên chưa tới thăm gia đình đồng nghiệp nào cả, trừ có gặp anh chị Lễ ở ngoài chợ. Vả lại chúng tôi thường gặp nhau ở Trung tâm. Mà sao cô không đi theo gia đình, dám ở đây một mình, cũng gan thật.
-Các anh chị ở được thì tôi cũng ở được, có gì đáng sợ đâu.
-Thế thì cô cứng bóng vía đấy, chứ tôi thấy….
-Anh thấy gì cơ ạ?
Tôi lúng túng đáp:
-A…Tôi thấy nhà rộng mà đồi thì vắng vẻ.
Lan cười nói:
-Anh giấu em. Chắc anh thấy có ma?
Tôi không dám xác nhận sợ Lan đâm ra thắc mắc và sợ hãi không dám ở nhà này nữa, nhất là ở có một mình. Tôi nói tránh đi:
-Thời buổi khoa học này thì làm gì có ma. Cô ở đây đã lâu có bao giờ thấy ma không?, nếu có chắc cô đã chẳng ở, phải không cô?
Mặt Lan bỗng ủ rũ, đôi mắt long lanh ướt, nàng khẽ thở dài thấp giọng đáp:
-Anh tha lỗi. Em chính là ma!
Tôi bật đứng lên, trợn tròn hai mắt ngó Lan và hỏi:
-Lan…Lan nói đùa, định dọa tôi đó sao?Nước mắt dòng dòng, Lan lắc đầu đáp:
-Không, em đâu dám đùa. Em nói thật. Em vì buồn, không biết làm gì cả, cứ quanh quẩn trong nhà cũng chán. Nhân thấy anh có ống tiêu lại đi vắng nên em đã mạn phép lẻn vào mượn ống tiêu của anh thổi cho đỡ buồn. Hôm trước anh định bắt em, nắm tay em…
-Đúng thế, nhưng tôi đã nắm vào quãng không.
-Em thấy động, biến ngay. Nhưng em nghĩ anh là người tốt, dầy phúc đức, lại nói muốn gặp em, thấy mặt em nói chuyện chơi về âm nhạc nên hôm nay em liều trở lại thăm anh…Bây giờ em hiện nguyên hình. Anh có muốn nắm tay em sẽ không nắm vào khoảng trống nữa.
Lan đưa hai tay về phía tôi. Tôi đỡ lấy hai bàn tay mềm dịu, nỏn nà, nhưng lạnh ngắt. Tự dưng tôi thấy trong lòng rộn lên một niềm thương cảm, rưng rưng nước mắt nhìn Lan, nhẹ kéo tay Lan. Lan từ từ đứng lên, gần sát người tôi. Tôi ôm lấy Lan, chúng tôi ôm chặt nhau. Lan gục đầu trên vai tôi, khóc nức nở. Tôi khẽ nói:
-Anh thương Lan. Anh thương Lan.
-Em biết. Người chết nhậy cảm lắm, nên em biết. Anh vừa khóc thương em.
-Thôi, em đừng khóc nữa, ngồi xuống đây nói cho anh nghe về Lan.
Tôi vỗ lưng Lan mấy cái an ủi và dìu Lan ngồi xuống, đưa khăn cho Lan lau nước mắt, rồi quay đi rót một tách nước đặt trước mặt Lan.
Lan cười gượng nói:
-Em cám ơn anh, nhưng em có uống được đâu. Người âm chỉ “ăn hương ăn hoa” thôi chứ thực sự có ăn uống gì đâu.
Ngồi yên một lát cho hết cơn xúc động, Lan tiếp:
-Cha mẹ em người Huế, di cư lên Đà Lạt này làm nghề trồng bông trồng trái ở thung lũng dưới chân đồi. Tuy vất vả nhưng đời sống dư dả, nhờ thế em là con một nên được cưng chiều, không phải làm lụng chân lấm tay bùn như cha mẹ, chỉ ngày ngày cắp sách đi học chữ và học nhạc. Em thích thổi tiêu và chơi đàn tranh. Năm em 18 tuổi, bất ngờ một trận lụt tràn ngập quá nhanh qua thung lũng, kéo đổ nhà đổ cửa. Em và mấy người không biết bơi bị chết đuối. Cha mẹ em đương bán hàng ngoài chợ được tin chạy về, nhưng vô phương cứu em và nhà cửa, ruộng vườn. Khi nước rút đi, em chỉ còn là cái xác không hồn. Cha mẹ em khâm liệm và đem chôn ở trên đồi này. Hồi đó chưa có ngôi biệt thự này. Cha mẹ em buồn vì mất hết cả con lẫn của, nên trở về Huế, rồi chỉ một năm sau lần lượt chết cách nhau có hơn một tháng. Qua đi mấy năm, người ta xây cất biệt thự này. Không may cho em, một quãng móng nhà đè trên đầu mộ em. Do đó em hay bị nhức đầu, có khi không nhịn được rên khóc, và hồn em không siêu thoát đi đâu được, chỉ quanh quẩn trong biệt thự này. Chủ nhà theo đạo Thiên Chúa, thỉnh thoảng mùa hè mới tới nghỉ mát, thành thử nhà gần như hoang vắng quanh năm. Em thường hiện lên đi chơi hết phòng này sang phòng khác, hết nhà trên xuống nhà dưới. Tuy nhiên em không dọa nạt và làm hại ai bao giờ, nghịch ngợm thì có, như đã vào phòng anh nghịch đồ bếp, mượn ống tiêu thổi chơi….
Tôi ngắt lời hỏi:
-Như vậy việc đã xẩy ra cách nay mấy chịc năm, sao em vẫn trẻ đẹp?
-Cõi âm như vậy. Người già thì hình hài già, người chết trẻ thì hình hài vẫn trẻ mãi cho tới kiếp luân hồi hay lên Niết Bàn, xuống địa ngục.
-Tương lai em ra sao?
-Em kiếp trước, phước mỏng, nên chết yểu, tuy nhiên đã ăn ở hiền lành, kiếp sau sẽ khá hơn.
-Kiếp sao là bao giờ?
-Em không biết, nhưng có lẽ cũng không lâu. Mấy tháng trước Thần Thổ Địa báo cho em biết em may mắn, sắp được người cứu khỏi nhức đầu. Em hỏi ai thì Thần đáp nam nhân tuổi Thân sắp đến ở biệt thự. Mấy ngày sau anh dọn tới, em đã xem trộm giấy tờ của anh, thấy 26 tuổi, đúng tuổi Thân, tên cũng là Thân! Em hay lẻn vào phòng anh, anh có giận em không?
-Anh không giận, vì em không phá phách, nhất là không động đến người anh, chỉ thỉnh thoảng động cửa làm anh mất ngủ chốc lát, (Ủa mình xưng anh với Lan ngọt xớt kìa!) nhờ tiếng tiêu ru anh ngủ lại ngay. Mãi đêm qua anh mới biết là ma…ấy xin lỗi, là Lan lấy ống tiêu của anh thổi. Lan thổi hay lắm, nhưng nảo nùng lắm. Âu cũng do hoàn cảnh tạo ra. Thần Thổ Địa bảo anh có thể giúp vậy giúp việc gì, nếu sức anh làm được anh sẳn sàng làm ngay.
-Cám ơn anh đã không giận em, lại sẵn sàng giúp em.
-Em nói đi, anh sẽ hết lòng, vì thực tình nghe tiếng tiêu của em lại thấy mặt em, anh đã có cảm tình rồi.
-Em cũng phục tiếng tiêu và mê tiếng đờn thập lục của anh lắm. Em sẽ nhờ anh chỉ dẫn thêm cho em. Còn việc Thần Thổ Địa chỉ bảo là nhờ an cải táng cho em, em sẽ hết nhức đầu và dễ siêu thoát. -Anh sẵn sàng.
-Cảm ơn anh nhiều lắm. Ai ngờ nắm mồ vô chủ có người xót thương. Anh đi với em ra nhận mộ.
Tôi mặc thêm áo lạnh và hỏi:
-Em mặc phong phanh thế không lạnh à?
-Có anh bên cạnh, em còn sợ lạnh gì nữa. Nói chứ ma vốn lạnh rồi, đi đến đâu đem hơi lạnh đến đó. Chắc anh cũng đã thấy.
Tôi gật đầu nhận Lan nói đúng. Lan tự nhiên khoác tay tôi, tựa vào tôi như hai người thân nhau từ lâu. Lan dẫn tôi ra khỏi nhà, đến một góc tường phía sau biệt thự, cúi xuống vạch một hình chữ nhật lớn, một góc ngắm sát vào chân tường, rồi nói:
-Mộ em ở dưới nằm đúng như thế này, chỉ có góc kia, góc đầu em bị móng tường chận lên một chút làm em bị thiên đầu thống. Khi cải táng, anh không cần phá chân tường, chỉ đào từ chân tường trở ra, sâu xuống khoản thước rưỡi sẽ thấy áo quan, nếu lôi được áo quan càng tốt, nếu không phá ra lấy từng lóng xương và hoa cái xếp vào tiểu xành, đem chôn tại nghĩa địa sau chùa Liên Hoa để em được nghe kinh chầu Phật.
Tôi gật gù đồng ý, kiếm một lon sắt, đập bẹp để vạch sâu những góc Lan vẽ rồi cùng Lan trở vào nhà.
Tôi vừa tính toán vừa nói:
-Mai anh đi xin phép cải táng ngay, rồi mua lá thơm, tiểu xành, hương hoa lễ vật cúng Thổ Thần, rồi đến cuối tuần được nghĩ anh sẽ cất mộ cho em.
Lan nghẹn ngào nói:
-Anh cẩn thận quá, mua cả lễ vật cúng Thổ Thần và lá thơm tắm cho em. Em chẳng biết lấy gì tạ ơn anh...
-Lan cứ nhắc ơn mấy huệ mãi. Anh thương em, coi Lan như em gái anh. Anh cấm Lan từ nay không được nói cảm ơn với tạ ơn với anh nữa.
-Cám ơn anh, em xin vâng lời anh.
-Đó lại cám ơn rồi!
Lan bật lên cười. Tôi cũng buồn cười theo.
Vừa tới cửa phòng, Lan ôm lấy tôi hôn rồi biến mất.
Cuối tuần, tôi làm hết mọi việc như đã dự tính. Tôi không quên bỏ một ống tiêu của tôi vào tiểu xành tặng cho Lan.
Đến đêm, tôi đương sửa soạn đi ngủ thì thấy có tiếng tiêu từ xa tiến lại gần phòng, ngưng ở trước cửa. Tôi mở cửa. Lan bỏ ống tiêu xuống, tươi cười, ôm tôi hôn rồi khẽ nói:
-Cám ơn anh. Lan cám ơn anh. Lại cho em cả ống tiêu nữa.
-Đó lại cám ơn rồi. Anh đã cấm kia mà.
Chúng tôi cùng cười và trò chuyện vui vẻ.
Từ đó cứ cách năm ba ngày Lan lại đến thăm tôi, thông thường từ nửa đêm tới một hai giờ sáng, cũng có hôm vui chuyện, Lan ngồi tới ba bốn giờ. Lần nào tôi cũng muốn giữ Lan ở chơi lâu, nhưng khi Lan đã nói về là về vì người âm không thể ở lâu trên trần như ý muốn được.
Lan có những cử chỉ rất tự nhiên như người tây phương. Khi đến và khi từ biệt bao giờ cũng hôn tôi đằm thắm, nhưng chỉ thế thôi. Lan luôn luôn tỏ ra hết sức đoan trang, lễ độ, khiến tôi càng yêu Lan tha thiết và thường quên hẳn Lan là ma. Tuy có tính lãng mạn của nghệ sĩ, nhưng tôi không bao giờ dám có những cử chỉ suồng sã lả lơi đối với Lan.
Chúng tôi thương yêu nhau như hai bạn thiết, chỉ thiếu điều chung chăn gối.
Lan rất thông minh, hiểu biết rộng, thường mượn sách của tôi về đọc và bình luận rất vui và xác đáng. Chúng tôi cũng thường người tiêu, người thập lục hòa nhạc với nhau thích thú.
Tình nghĩa với Lan kéo dài được hơn hai năm, bổng một đêm Lan đến khóc nói chúng tôi phải xa nhau, "Lan đi đầu thai". Tôi không biết nên mừng hay lo buồn cho Lan; riêng tôi buồn khôn xiết kẻ. Chúng tôi ôm nhau than thở. Tôi hỏi Lan có bao giờ được chung sống với nhau. Lan hiểu ý tôi đáp: "Có thể kiếp này nếu không cũng kiếp sau."
Tôi hỏi: "Kiếp này làm sao gặp?"
Lan đáp: "Anh thử đi tìm em, may ra trời thương run rủi. Anh cứ đi tìm đứa bé nào mới ra đời khoảng vài ba tuổi, không học mà tự nhiên đã biết thổi tiêu, thì đứa bé đó là em đấy."
Từ đó biệt tích Lan của tôi. Nửa năm sau tôi được đi Mỹ tu nghiệp. Hai năm sau mãn khóa, sắp được về nước thì chiến tranh ở nước nhà sôi động. Tôi kẹt đường về, ôm mối tương tư cả mười năm nay.
Có ai biết có đứa bé nào mới sinh ra không học mà tự nhiên biết thổi ống tiêu ở đâu, xin vui lòng tin cho tôi biết, tôi cảm ơn muôn vàn....
Lan, bây giờ em ở đâu. liệu kiếp này có được gặp lại nhau không? Hay " Nước bèo để chữ tương phùng kiếp sau"....
TRƯƠNG BẢO SƠN
Nguồn:dalatdauyeu
DANH MỤC TIN
Sản phẩm nổi bật
Sản phẩm Giảm giá
Sản phẩm mới
Tin tức mới