MÙA TRỌ HỌC
Huy Văn
Gió ngược. Mưa quất mạnh vào mặt. Đau rát. Hắn rạp mình trên chiếc Suzuki cho đỡ lạnh. Ướt sũng người nhưng hắn không màng, chỉ lo cho hai tấm vé xe đò mua giùm cho hai chị trong nhóm, và giờ hẹn với nàng! Cơn mưa giông bất chợt, cộng thêm cảnh chờ đợi tại quầy vé làm hắn bực mình. Trễ là cái chắc!
Tháng sáu, trời mưa là chuyện thường, nhưng ngay hôm nay, giờ phút này mưa như trút nước, làm hắn không thể phóng nhanh hơn. Con đường dọc theo sân Cù vòng qua Giáo Hoàng Học Viện chiều nay dài thăm thẳm và tối tăm vì mưa nặng hạt. Hắn tự trách thầm sao không đi mua vé xe từ ban sáng cho chắc ăn. Đã biết chiều hay có mưa mà vẫn không lo sớm. Hắn lại nghĩ đến nàng, đến giờ hẹn, đến hôm qua, khi đánh bạo ngỏ lời. Hắn muốn đi riêng, nhưng nàng muốn gom cả nhóm bạn đi chung cho vui. Chung hay riêng gì đối với phố núi nhỏ xíu này cũng như nhau thôi. Nàng nói thế, và hắn thấy đúng. Vả lại, có nàng bên cạnh là hạnh phúc rồi, còn hơn cả một mùa trọ học mà chẳng có lần nào sánh đôi ngoài phố, hay chụm đầu trong quán cà phê. Ước mơ bình thường, giản dị nhưng chưa lần nào thực hiện được. Vì rụt rè, kém hoạt bát, hay không năng động như các đồng môn khác?
Hắn biết mình không có gì nổi bật để gây sự chú ý, suốt năm học chỉ lo gạo bài để chạy đua với Nha Động Viên. Nhưng hắn thảm bại não nề. Thiếu tướng Bùi Đình Đạm “mời” hắn nhập ngũ vì luật Tổng Động Viên quái ác của Tông Tông. Và đến hôm nay, ngày cuối cùng trước khi từ giã nhau thì lại sắp trễ hẹn với nàng. Lần hẹn đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Hắn với nàng không cùng nhóm hội học, nhưng ngồi chung lớp Anh Văn. Nghe một anh bạn cùng chỗ trọ cho biết lớp này tòan là dân “xịn” nhưng hắn không tin. Vì sinh ngữ là món tệ nhất của hắn, và hôm thi xếp lớp thì đã phải ngồi lì đến phút cuối mới làm xong bài. Và hắn cho là anh bạn đó “nổ” để tô bóng chỗ ngồi của mình trong lớp Thầy Richard Trenbath. Hắn thuộc nhóm người thầm lặng, thường nóng bừng hai tai khi phải đọc hay nói một câu tiếng Anh, nhưng vì nàng, hắn phải hy sinh những buổi chiều chúa nhật để tham dự sinh hoạt của nhóm đàm thoại sinh ngữ do thầy Richard đề xướng và anh chàng cận thị nhỏ con cùng lớp hết lòng ủng hộ. Hắn không ưa anh chàng này, vì hình như nơi nào cũng có anh ta. Từ đêm lửa trại tâm giao, đón đàn anh về thăm trường, văn nghệ gây quỹ Cây Mùa Xuân, văn nghệ toàn trường nhân ngày Đại Học, rồi nhóm Anh Ngữ đàm thoại, nơi nào cũng có cặp mắt kiếng xệ xệ trên má đó góp mặt và góp tiếng. Nhưng rồi hắn thầm cám ơn “gã cận thị nhỏ con” ấy vì đã chỉ định nàng lo phần giải khát và nhờ gã làm tài xế vì tiện đường hơn ai hết. Chỉ sau vài lần họp nhóm thì nhân số giảm dần, “gã cận thị” rầu rĩ nhưng hắn mừng thầm, vì càng ít người hắn càng bớt lo có ai đó thấy hắn thích lén nhìn ngắm nàng hơn là góp ý thảo luận. Và chỉ có thế. Không một lần hẹn hò, chưa có dịp sánh vai, và cho đến hôm qua hắn mới mở lời ngay sau khi gặp nàng ngoài phòng thi…
Hắn thoáng giựt mình khi vừa đến cổng Viện. Thì ra từ nãy giờ hắn hòan toàn lái xe bằng bản năng. May là trời mưa, đường vắng … Hắn chạy thật chậm để thu hết những hình ảnh thân thương và quen thuộc của một mùa trọ học. Văn phòng Viện vẫn mở cửa, nhưng vắng lặng, không nhìn thấy được gì bên trong. Hắn dừng lại trước giảng đường Spellman, thoáng bồi hồi khi nhớ những ngày đầu rải giấy, dành ghế cho cả nhóm để có chỗ tốt gần bục giảng. Mới đó mà đã xong một niên khóa… Các chị đợi hắn ngay ngoài hành lang khu cư xá nữ Bình Minh, có vẻ lo lắng, nhưng sau đó tươi hẳn ra khi hắn móc túi, giao hai vé xe đò còn nguyên vẹn. Trời cũng vừa tạnh mưa. Biết hắn có hẹn với nàng, hai chị cảm ơn, và chia tay ngay sau lời chúc lành cho một tương lai vô định. Trên đường trở ra hắn định ghé vào tìm cha Thái. Hắn vẫn thường tìm thăm cha mỗi khi có dịp, dù chỉ để nhìn cha cười thật cởi mở, hồn nhiên. Cha đã tận tình chỉ dẫn, giúp hắn tìm nhà trọ sau khi chính thức xác nhận Đại Học Xá không còn chỗ. Cha còn cẩn thận ghi vài chữ giới thiệu hắn đến 21 B Yersin với lời nói kèm: “Nơi này yên tĩnh và an ninh vô cùng”. (Và quả đúng như vậy, ngôi nhà của trung uý Sọan nằm ngay cạnh Ty Cảnh Sát và cách Nhà thờ Chính Tòa chỉ vài chục bước. Phía trước là khỏang sân trống khá rộng. Đàng sau là thung lũng chạy dài mút tầm mắt. Thật nên thơ và hữu tình. Gia chủ thì vui tính và nồng hậu). Nhưng hắn lại chọn khu Bá Đa Lộc khi tình cờ thả dốc xuống Adran để tìm nhà của một người bạn mới quen. Cha Thái cũng đã vui vẻ cho phép nhóm bạn của hắn mở một ấn quán bỏ túi với vỏn vẹn một bàn đánh máy và một chiếc máy Roneo rẻ tiền, Cha chấp thuận cho cả nhóm được dùng giảng đường Tri Nhất 2 để làm văn phòng tạm của Ấn quán Roneda. Thật là một tấm lòng vàng! Hắn chần chờ một lúc trước cửa văn phòng rồi phóng luôn ra cổng, lòng bồi hồi khi ngoái lại nhìn khung cảnh thân thương của đúng một mùa trọ học.
Trời quang, nắng vàng, mát! Hắn theo Võ Tánh qua Bùi Thị Xuân, Trường Chiến Tranh Chính Trị, Chùa Linh Sơn, vòng qua Hàm Nghi rồi đổ xuống Phan Đình Phùng, ngang qua con hẽm vào nhà nàng, vòng lên Thành Thái để đến chỗ hẹn dù biết rằng đã trễ gần một tiếng. Từ xa, ngôi nhà mang số 48 đóng cửa im lìm. Nhưng đến nơi, mới vừa nhón chân nhìn qua cổng rào thì mẹ của Nguyệt đã thấy và chờ hắn ngay sau cửa:
-Mấy cô đi từ trước khi mưa rồi. Xuống phố thế nào cũng gặp thôi!.
Hắn lí nhí cảm ơn bà cụ rồi vọt ngay. Con dốc đổ xuống Hòa Bình không dài nhưng phố chiều, xe đông, nên hắn mất khá nhiều thời gian để đến gửi xe ngay bên cạnh rạp hát. Nhìn dòng người xuôi ngược, hắn không biết phải đi hướng nào để nhanh chóng tìm được nàng. Sau cùng, hắn quyết định ghé qua kiosque bán quà lưu niệm của chị nàng ngay cạnh bậc thang dẫn xuống Chợ Hoa. Chị Nga nhìn thấy hắn là nói ngay: - Ba Cô mới rời khỏi đây thôi.
Chỉ tay xuống khu chợ hoa, chị tiếp: - Mưa to quá nên mấy cô phải trú trên thềm Hòa Bình khá lâu. Huy xuống đó thế nào cũng gặp.
Hắn cám ơn chị Nga rồi rảo bước đi ngay, nhưng chợt quay lại chỉ vào tủ kiếng: - Chị gói cho em chiếc thuyền buồm kia nha. Em sẽ ghé lấy sau.
Chị Nga cười: - Xong ngay.
Hắn vẫy tay với chị rồi phóng thật nhanh xuống các bậc thang, lòng thầm nghĩ đến Ba Cô. Thì ra nàng không đi với nhóm mà rủ hai cô bạn khá thân cũng có tên bắt đầu bằng chữ N: Nghi và Nguyệt. Ba cô gái Đà Lạt như bóng với hình mặc dù không cùng chung nhóm hội học. Có thế mà hắn không nghĩ ra khi nàng hẹn gặp ở nhà Nguyệt trên Thành Thái. Cứ tưởng là hẹn nơi đó để gần phố chính. Ba Cô, Ba chữ N, nên đồng môn đặt cho biệt danh là “Tam Anh” (Tam N) mỗi khi nhắc đến nàng và hai bạn kia, nhưng nhóm bạn của hắn thì ưu ái hơn, đặt cho ba Cô bịêt danh là “Ba Trái Hồng” vì làn da ửng đỏ trên hai má.
Hắn không cần tìm lâu, vừa vào Chợ Hoa là “Tam Anh” nhìn thấy hắn ngay. Nàng không nói gì, chỉ gật đầu cười. Nhưng Nghi thì không tha: - Trời ơi! Tóc đen mướt như thế chắc là xức brillantine nhiều lắm phải không anh Huy?
Hắn chỉ cười gượng với nàng: - Xin lỗi Ngọc vì đã đến trễ. Mưa lớn quá …
Nàng chưa kịp đáp thì Nguyệt đã xen vào: -Mùa này là vậy rồi. Phải tiên liệu trước chứ còn …
Hắn chỉ biết cười đau khổ: - Chỉ vì phải lên Trường có chút việc nên …
Nàng chận lời hắn: - Thôi! Đằng nào thì Huy cũng đến rồi. Mình cùng đi chung nha?
- Không. Phải phạt mới được. Nguyệt nói. Nga phụ họa ngay: - Phải đó. Phạt Anh Huy xách giỏ cho ba đứa mình được không?
Hắn chộp ngay cơ hội để hòa đồng: -Xong ngay. Là bổn phận của tôi mà …
Sau câu nói, cả nhóm đi sâu vào bên trong để mấy cô tìm mua mứt. Hắn im lặng đi theo, thỉnh thoảng trả lời hay chống đỡ vài câu hỏi có ý chọc phá của Nghi hoặc Nguyệt. Nàng thì vẫn khép kín nhưng lịch sự, và hắn cũng không mong gì hơn, chỉ cần đi kế bên nàng là hắn vui rồi.
Chiều cuối tuần. Mùa hè. Phố tấp nập người qua lại mua sắm. Ngày của những màu chinh y dạo phố. Và cũng là ngày của các học sĩ vòng lên, lạng xuống các bậc thềm khu Chợ Hoa, phố Hòa Bình, khu vực Hồ Xuân Hương, Đồi Cù, Thủy Tạ để dạo mát, chụp ảnh trước khi từ giã phố núi sau một mùa trọ học. Người đông, phố chật. Đi lên, đi xuống mấy lần đều gặp lại hầu hết những “Đại Học Sĩ” cùng trường, cùng lớp, hoặc dạo phố hay đi mua sắm, hoặc chỉ thả bộ lòng vòng để nhìn người và ngọan cảnh. Những lần dừng lại chào hỏi nhau là những lúc hắn thầm đau khổ trong lòng vì mọi người đều nhìn hắn một cách dò xét lẫn ngạc nhiên vì một kẻ thầm lặng nay lại đi chung với mấy cành hoa có tiếng là năng động. Thậm chí có vài người không biết hắn là ai. Cũng không trách họ được, hắn tự an ủi mình như vậy. Sáu trăm sinh viên, năm tháng giảng đường (không tính một tháng nghỉ Tết) thì mấy ai biết nhau, huống chi hắn lại là “thợ lặn” không hề tham gia một buổi sinh họat tập thể nào, ngoại trừ nhóm của hắn và nhóm Anh Ngữ.
Một lát sau thì mấy kí lô bánh mứt đã bắt đầu trĩu nặng trên tay. Hắn không nói gì, nhưng nàng tinh mắt nhận ra nên đề nghị ghé quầy hàng của chị Nga gửi tạm giỏ xách tại đó. Nghi và Nguyệt có lẽ đã chán cái không khí buồn tẻ nên tách ra riêng sau câu nói đùa: - “Thôi. Không ăn hiếp anh Huy nữa”.
Hắn lúng túng chưa biết nói gì thì Nghi đã dành lấy phần bánh mứt của mình và Nguyệt rồi quay sang nói tiếp với nàng: - “Trả lại tự do cho hai người đó nha.”
Nàng chỉ cười, không nói gì, nhưng hắn thấy nàng có vẻ không vui sau khi chia tay với hai cô bạn thân. Lòng vòng thêm vài bận trong khu chợ mà không mua gì nên hắn hỏi nàng có muốn đi dạo hay vào quán nào không thì nàng nói: - Đà Lạt có hai thứ làm ấm lòng người: Cà phê và chè. Huy thích thứ nào?
Hắn thấy nàng tự nhiên hơn, nên cũng thoải mái: - Thứ nào cũng thích, nhưng ưu tiên cho Ngọc chọn.
- Vậy thì mình vòng lên cà phê Tùng nha! Sẵn dịp ghé ngang chị Nga gửi tạm mớ trái cây và bánh mứt này cho Huy nhẹ tay.
Hắn cười: - Đâu có sao!
Nhưng rồi cũng theo nàng đi về phía bậc thang dẫn lên phố.Vừa được vài bước thì nàng bất ngờ quay lại hỏi:
- Khi nào thì Huy trình diện?
Hắn nói còn được đúng ba tuần, nhưng vì muốn dành thì giờ cho gia đình, rồi lại có ý định về thăm quê nội vài ngày nên sáng mai sẽ về Sàigòn. Hắn thở dài: - Ba tuần thấy vậy mà nhanh lắm. Cũng như mới hôm nào ngơ ngác gom nhau vào nhóm, bây giờ đã xong năm đầu tiên rồi. Mà không về sớm cũng không được. Vì mình chẳng có gì để lưu luyến cả.
Nàng ngắt lời: - Vậy sao? làm hắn bối rối vì hình như nàng đã biết là hắn nói dối. Còn đang ấp úng tìm câu trả lời thì nàng tiếp lời: - Tuần sau Ngọc cũng sẽ về Nha Trang nghỉ hè. Đang nhớ Ba Mẹ, nhưng nghĩ đến anh Thưởng và chị Nga thì cũng thấy tội nghiệp. Chồng thương phế binh, vợ vừa trông con vừa bán hàng. Ngọc muốn ở lại để phụ với mẹ anh Thưởng trông chừng hai cháu. Thương anh chị nhưng chỉ làm được bấy nhiêu thôi. Cuộc sống trong thời buổi này thật là vất vả quá. Con gái ngày nay cũng không có đường chọn lựa. Hoặc ở vậy hoặc chấp nhận làm vợ lính để rồi…
Nàng đã làm cho hắn ngẩn người và ngạc nhiên, vì Ngọc của giảng đường, của những ngày hội học đã hoàn toàn biến mất. Bên cạnh hắn bây giờ là một người con gái thật sự trưởng thành về mọi mặt. Hắn chưa kịp nói gì thì nàng đã tiếp:
- Hai tháng qua Ngọc suy nghĩ nhiều về chuyện Tổng Động Viên này. Không dấu gì Huy, Ngọc có quen một người. Anh này cùng đơn vị với anh Nhàn và anh Thưởng. Lần nào có dịp nghỉ phép cũng đều ghé thăm Ba Mẹ rồi lên đây với anh Thưởng và chị Nga. Anh Phước không dấu tình cảm dành cho Ngọc từ hơn hai năm nay, nhưng mình thì tuy có quí mến anh ấy nhưng lại không dám nghĩ xa hơn vì Ngọc sợ cảnh “ngày mai đi nhận xác chồng…” và nhất là khi Anh Phước bị thương mới năm ngoái càng làm Ngọc sợ hãi thêm. Bây giờ thì thêm bạn bè đồng môn cũng sắp sửa bị ném vào cuộc chiến làm Ngọc vừa buồn vừa tiếc cho họ và… cho Huy. Nhiều khi Ngọc cũng muốn thật hồn nhiên như Nguyệt và Nghi nhưng không thể được Huy ạ. Sau cái mặt nạ vui vẻ cười đùa là cả một sự đắn đo, lo lắng không thể bày tỏ cùng ai. Ba Mẹ thì muốn mình lấy chồng sớm và cứ luôn miệng cho là con gái không cần học cao quá vì sẽ khó lấy chồng, chị Nga thì thông cảm hơn vì đang là vợ lính, riêng Ngọc…
- Thì dùng kế hoãn binh bằng cách đi học rồi tới đâu hay tới đó, đúng không? Cám ơn Ngọc đã cho Huy biết chuyện riêng của mình. Ngọc không nói ra thì chẳng ai biết Ngọc sống nội tâm nhiều như vậy đâu.
Hắn muốn nói nhiều lắm, nhưng không tìm ra lời để cho nàng biết là tình cảm của hắn dành cho nàng có thể chưa đủ cường độ để gọi là yêu nhưng cũng không đơn thuần là tình bạn, vì mấy tháng qua, câu chuyện trao đổi với nhau chỉ nằm trong phạm vi hội học hay cùng lắm là chuyện xi nê hoặc ca nhạc. Nhưng sau khi chia tay thì rõ ràng là thấy nhớ nàng ngay. Gần nhau thì rộn rã, xa nhau thì nhớ nhung. Theo một định nghĩa đơn giản thì điều đó đủ để gọi là tình yêu. Nhưng chỉ là một chiều, vì lời nói, hành động đều bị đóng khung. Hắn không có can đảm thú nhận hay bày tỏ, dù trực tiếp hay gián tiếp, mà chỉ hy vọng nàng sẽ hiểu. Chiều nay, buổi chiều cuối cùng trước khi rời Đà Lạt, cho dù không có bàn tay đan, không có đường chung bước, không có lời thủ thỉ tâm tình nhưng hắn cũng thấy hạnh phúc, hạnh phúc riêng trong niềm vui chung mặc dù phải vất vả vì bị chọc phá. Đang lâng lâng vì bất ngờ nàng mở lối cho một buổi chụm đầu tâm tình bên ly cà phê, trong quán ấm, là thứ hạnh phúc lãng mạn mà hắn vẫn hằng mong mỏi, thì bây giờ hắn cảm thấy hụt hẫng rồi đâm ra tư lự. Nàng nói vậy là sao? Có người yêu rồi chăng? Tội nghiệp hắn nên mới nhận lời, hay là một chút cảm tình đặc biệt nào đó nên mới đi phố với hắn?
Còn đang tự hỏi thì nàng đã vừa đi vừa đùa: - Huy đang nghĩ gì đó? Ngạc nhiên lắm phải không? Huy kín đáo lắm. Nhưng vẫn không thể che dấu được đâu. Con gái nhạy bén lắm. Hai đứa kia còn biết trước Ngọc nữa...
Hắn thấy nóng bừng lên mặt và chỉ muốn độn thổ cho xong. Thì ra ai cũng thấy, cũng biết. Chỉ có hắn ngây thơ không nhận ra điều gì cả. Riêng nàng thì vừa kín đáo lại vừa khẳng khái. Hắn thật tình không hiểu nàng đang nghĩ gì. Lại càng khâm phục hơn khi nàng tự nhiên giao tiếp và còn tạo điều kiện để hắn thêm hạnh phúc, nhất là trong chiều nay, ngay lúc này.
Im lặng một lúc hắn mới nói: - Cám ơn Ngọc đã dành cho Huy nhiều thiện cảm. Huy cũng biết mình không hy vọng, nếu không có chuyện đi lính thì …
- Thì chờ Ngọc lên “xe gai” rồi mới nói phải không?
Hắn bật cười vì câu pha trò của nàng và đã hiểu là đang chung bước với một người bạn gái. Một tấm chân tình rất “Thụ Nhân” không hơn không kém. Và hắn chấp nhận thông điệp ngầm mà nàng mới vừa bày tỏ. Cũng không sao! Hắn tự nhủ thầm. Đường dài mới biết ngựa hay kia mà. Bây giờ là chút rộn rã dễ thương trước lúc chia tay. Mai này biết đâu…
- Đây rồi! Tiếng của chị Nga reo lên khi cả hai vừa lên hết bậc thang. Hắn cũng vừa nhận ra bên cạnh chị là một mái tóc bạc phơ cùng một quân nhân đang đứng gần đó, kế bên anh Thưởng. Và hắn cũng biết ngay họ là ai, trước cả khi chị Nga ân cần giới thiệu:
- Đây là mẹ của chị. Còn đây là...
- Phước.
Anh Thưởng tiếp lời. Bạn của gia đình và cũng là bạn lính của anh. Hắn chào mẹ nàng rồi siết tay người Trung uý Sư Đòan 1 Bộ Binh. Trong lòng không có cảm giác rõ rệt. Trung uý Phước lịch sự và lễ độ, có vẻ vui tính và tác phong quân đội thật chuyên nghiệp. Khi nàng cho anh biết là hắn sẽ vào lính nay mai, thì anh nói: - Cực khổ lắm! Nhất là dân tác chiến. Nhưng Huy an tâm. Tất cả đều do Trời định cả. Rồi cũng sẽ quen thôi.
Hắn lí nhí vài lời cám ơn trong khi nàng hỏi han bà cụ và được cho biết là anh Phước đi phép thường niên, ghé đưa mẹ nàng lên thăm con, thăm cháu mà không báo trước. Hắn có vẻ lạc lõng, không được tự nhiên, nhưng cũng hiểu là nàng đang khó xử nên trong lúc nàng còn đang hỏi han bà cụ và anh Phước, thì hắn quay sang nói với chị Nga: - Chỉ có em mua nhiều. Ngọc chỉ có túi khoai mật và gói mứt này mà thôi. Chị cho em lấy chiếc thuyền.
Nàng nghe nói, bước qua bên hắn: - Mình qua bên Tùng cái đã. Còn sớm mà.
- Cà phê hả? Trung uý Phước vui vẻ chen vào. Ngồi lâu lâu một chút nha. Để anh đưa bác về nhà rồi ra ngay.
Nhưng hắn đã quyết định rồi nên nói với mọi người: - Lúc nãy thì tính như vậy nhưng thì giờ còn ít quá. Mình lo đi dạo hơn là mua sắm nên Huy cần phải chạy nước rút mới kịp lo mọi thứ.
Nàng có vẻ áy náy, nhưng chưa kịp nói gì thì hắn đã vừa tiếp, lời, vừa nhận chiếc thuyền chị Nga vừa gói xong: - Bác cần nghỉ ngơi. Anh Phước và chị Nga đưa bác về. Anh Thưởng phải phụ chị Nga. Huy phân công như vậy có đúng không?
Trung uý Phước bật cười: - Chưa vào lính mà đã có khiếu chỉ huy rồi nha.
- Thì mình đành phải nghe theo thôi. Anh Thưởng phụ họa kèm theo một nụ cười dòn. Hắn siết tay mọi người, chào mẹ nàng thật nhanh.
Biết hắn đã quyết tâm nhường thời gian còn lại cho Phước, nàng kéo hắn ra riêng, giọng bùi ngùi: - Huy cẩn thận nha. Nhớ viết thư cho bạn bè. Xin lỗi đã …
Hắn không cho nàng nói hết: - Không sao! Huy hiểu mà. Thư từ thì Ngọc đừng lo. Huy già chuyện lắm. Cho gửi lời thăm các bạn quen biết nha.
Nói xong, hắn quay lại chào mọi người một lần nữa, rồi bước thật nhanh về bãi gửi xe, lòng nặng trĩu... Hắn vòng xe về phía Yersin, xuống dốc Bá Đa Lộc để về khu nhà trọ. Ngôi nhà hai tầng bình thường rộn rã tiếng cười nói, đùa vui hôm nay bỗng dưng hoang vắng lạ kỳ. Chưa thấy ai về cả. Ba chàng Ngự Lâm Pháo Thủ - biệt danh đặt cho những bạn cùng chung chỗ trọ: một cựu sinh viên sĩ quan Khóa 27 Võ Bị bị giải ngũ vì thương tật, một công tử dòng dõi ngư nghiệp ở Vũng Tàu, và một thanh niên đa tài, năng động, dám đứng ra thành lập một ấn quán Ronéo bỏ túi để cạnh tranh với ấn quán lâu đời của toàn Viện Đại Học – cũng đi đâu chưa về. Hắn vào phòng, bỏ mấy thứ lỉnh kỉnh lên giường, nhìn quanh một vòng căn phòng nhỏ, gọn và trống trải vì đồ đạc đã dọn hết vào vào hai túi xách. Khu gác trọ vắng lặng, phía bên nhà của bác Thiện cũng im lìm. Có lẽ giờ này hai ông bà chủ nhà vẫn còn loay hoay ngoài khu vườn cà phê và những cây trái khác.
Hắn nhìn đồng hồ: 5 giờ chiều! Thấy còn sớm, hắn xuống lầu dắt xe ra cổng, nhìn quanh khu xóm dễ thương đàng sau Nhà nguyện Đa Minh. Trên dốc cao nhìn xuống, con đường mòn đất đỏ chạy vòng qua những mái nhà, những hàng anh đào, mimosa, cây trái, và hết tầm mắt là những luống rau xanh ngát, thẳng hàng đến tận trường Trí Đức. Ra đến Bá Đa Lộc, hắn tần ngần đứng lại, phân vân. Trước mặt, bên kia đường là lối vào Adran. Quẹo trái là ra Yersin, ngay sau lưng Palace, còn bên phải là con dốc sâu dẫn xuống thung lũng với những vườn cam, chanh dày đặc. Sau một thoáng suy nghĩ, hắn phóng xe ngược dốc ra lại Yersin, rẽ vào Palace, vòng ra phía trước rồi dừng lại. Ngồi trên bậc thềm cao nhất của lối đi dẫn lên khách sạn, hắn đốt thuốc, nhìn xuống Hồ Xuân Hương, phóng mắt qua Đồi Cù. Ẩn hiện sau những nhánh thông, xa xa, phía bên trái là một góc của bến xe và con dốc Hòa Bình. Hắn lại tư lự đưa tầm mắt hướng qua tháp chuông Yersin và góc khuất của Vườn Bích Câu rồi dừng lại nơi màu trắng của Thủy Tạ. Ngày đầu lên thăm Đà Lạt mùa hè năm ngoái, hắn cũng đến đây, say sưa nhìn ngắm như đang thăm viếng một cõi trời Âu nào đó. Một anh bạn quen biết trong dịp vào Sinh Viên Vụ nộp đơn xin chỗ trong Ký Túc Xá, thay vì cho hắn quá giang từ Viện về Hòa Bình, đã chở hắn lên Sân Cù, chỉ cho hắn màu xanh nhấp nhô, phóng tay về phía bên kia bờ hồ rồi nói: - Lên Đà Lạt, không cần đi đâu xa. Chỉ cần đến Palace, chọn nơi cao nhất, nhìn qua phía này. Rồi đứng đây nhìn lại phía bên kia cũng đủ thấy đẹp vô cùng.”
Hút xong điếu thuốc, hắn thẫn thờ quay xe về hướng nhà thờ Con Gà. Còn sớm, chưa đến giờ lễ chiều nên hắn dựng xe bên cạnh tượng đài Đức Mẹ, đọc thầm vài lời kinh, rồi đảo mắt nhìn quanh như muốn thu lấy khung cảnh trầm lắng của giáo đường. Hắn không phải là con chiên ngoan đạo nhưng từ ngày đầu trọ học, chiều nào hắn cũng ghé qua đây hoặc chỉ nguyện vài câu kinh như hôm nay, hoặc vào ngồi ở hàng ghế sau cùng để tận hưởng những âm vang trầm lắng, xa xăm của lời kinh, tiếng hát. Buổi chiều xuống chậm, hắn vòng xe ra cổng, định rẽ về hướng Cam Ly, nhưng laị đổ xuống quán Không Tên ngay cuối dốc. Quán nhỏ, xinh xắn, cà phê ngon với lò croissant và pâté chaud ngay phía trong. Người chủ quán, là chú ruột của một bạn đồng khóa, rất lịch sự, rất “Tây”, lúc nào cũng cười tươi tắn với khách. Vừa thấy hắn vào là ông nói ngay: - Huy đó à! Tưởng cháu không ghé lại đây chứ!
Hắn cười đáp lễ rồi hỏi thăm Hoàng, người bạn học cũng sắp vào lính như hắn thì được biết nhóm của Hoàng có tổ chức tiệc chia tay với các bạn kém may mắn tại một nơi nào đó ngoài phố chính. Ngồi trong góc quen thuộc, hắn ngả người dựa vào tường, mơ màng thưởng thức những bản nhạc Pháp mà chú Phúc vừa thay vào máy. Quán nhỏ, tầm nhìn ra phía ngoài bị giới hạn, nhưng hắn thích không khí ấm cúng của căn phòng bày biện và trang trí như một phòng triển lãm tranh cổ điển tây phương.
Có lần hắn hỏi chú Phúc vì sao lại gọi là quán Không Tên thì Ông cười: - Có định mở quán cà phê đâu! Ban đầu chỉ là lò bánh mì, rồi thêm croissant, pâté chaud, vài loại bánh kem. Sau đó không nhớ ai là người đầu tiên đến mua croissant rồi nói là nếu có cà phê nóng, ăn và uống ngay tại chỗ thì tuyệt vời thay vì mang về nhà thì nguội mất ngon. Thế là có thêm vài cái bàn, vài chiếc ghế. Che góc này, chắn góc kia cho ấm cúng. Sau một thời gian thì nơi này thành quán cà phê hồi nào không hay.
Hắn ngồi ôn lại mấy tháng trọ học. Nhớ những kỷ niệm dễ thương của cuộc đời “Học Sĩ” ngắn ngủi, nhớ đêm mừng sinh nhật 20 tuổi với bạn bè chung chỗ trọ. Nhớ ca đoàn nhỏ bé của nhà nguyện Đa Minh, nhớ mọi thứ, mọi chuyện, từ ngày đầu tiên ngơ ngác trong giảng đường, đến những vui buồn hội học, những thắng cảnh xa, gần, đi một mình để thơ thẩn và gậm nhấm cô đơn, hay hồn nhiên, vui đùa với cả nhóm. Hắn chợt nhớ nàng ngay khi có lời của “Adieu, sois heureuse” vừa vang lên. Buồn bã và gợi cảm làm sao. Giờ này thì họ đang làm gì nhỉ. Đang ngồi đâu đó vừa thưởng thức cà phê, vừa tâm tình, hay đang chung bước ngoài kia để tận hưởng không khí trữ tình của một chiểu cuối tuần. Hắn thở dài, nghĩ đến mái tóc Khánh Ly bên cạnh màu áo trận, đến con đường hắn sẽ bước đi nay mai, và tự an ủi khi nghĩ đến hằng ngàn “nạn nhân” như hắn. Nạn nhân của một định mệnh khắc nghiệt dành cho tuổi trẻ bị đóng khung. Thôi thì tới đâu hay tới đó. Biết làm sao hơn bây giờ.
Hắn chợt thèm có người để tâm sự hay trao đổi chuyện gì đó cũng được, miễn là làm sao quên được nỗi sầu đời đang đầy ắp trong đầu suốt từ khi nhận giấy gọi nhập ngũ đến nay. Bình thường thì khi rảnh tay, hay vắng khách thì chú Phúc hay ra ngồi kể cho nghe chuyện đời, chuyện bên Tây, chuyện Paris ra đường không có thì giờ ngắm cảnh vì phải nhìn xuống chân để còn kịp tránh “mìn” do người bạn bốn chân gài một cách công khai và đầy dẫy. Nhưng hôm nay không thấy chú trở ra. Có lẽ vì tôn trọng sự ưu tư của hắn thì phải.
Bên ngoài vừa tắt nắng, đèn đường cũng đang nhá nhem cháy. Hắn bỗng giựt mình, chợt nhớ là còn chưa trả tiền cho chị Nga khi nhận chiếc thuyền gỗ khá đẹp mà có lần hắn nghe nói là do một tay anh Thưởng vẽ kiểu và nắn nót từng chút. Hắn bật dậy, đến quầy tính tiền, đặt tờ giấy bạc xuống mặt kiếng rồi nói với vào trong: - Chú Phúc ơi. Cháu còn quên một việc. Phải đi ngay. Chú nói với Hoàng là cháu sẽ ghé lại tối nay nha.
Từ bên trong chú Phúc nói vọng ra: - Xong ngay. Huy cứ lo việc của cháu đi.
Hắn vọt ra cửa, thầm trách mình sao vô ý quá. Đã chập choạng tối, trời trở lạnh, hắn phóng xe lấy đà leo dốc để lên Hòa Bình.Từ xa hắn thấy kiosque của chị Nga đã đóng nên vòng luôn qua Minh Mạng để xuống Phan Đình Phùng, vừa lái xe hắn vừa nghĩ đến nàng và trung uý Phước. Giờ này có thể họ đang ở nhà để quây quần bên bữa cơm tối với gia đình. Hắn thấy bồn chồn khi quẹo vào con hẻm, lưỡng lự, nửa muốn quay trở ra, nửa muốn gọi cửa. Mai đi sớm. Chị Nga thường mở cửa hàng khá trễ. Không đưa tiền không được. Sau cùng, hắn cũng gõ cửa. Chị Nga ngạc nhiên rồi vồn vã mời vào nhà. Hắn đứng ngoài không chịu vào và đưa tiền trả, nhưng chị Nga không chịu lấy tiền hắn trao. - Chị tặng Huy mà. Tiền bạc gì chứ! Ăn tối cái đã. Còn chờ Ngọc và Phước mà thôi. Chắc cũng sắp về tới rồi đó.
Hắn ấp úng nói câu từ chối, vẫn lấy cớ phải lo sắp soạn đồ đạc và còn từ giả bạn bè. Nhét vội tờ giấy bạc vào tay chị Nga, hắn vội vã quay xe, không để chị nói thêm lời nào. Trời đã tối, hắn cảm thấy lạnh. Con đường lờ mờ ánh điện, nhưng cũng đủ để thoáng thấy màu áo treillis và chiếc pardessus sát bên nhau dưới vòm sáng của Ngọc Hiệp. May quá, hắn nhủ thầm, nếu còn trong ngõ nhà chị Nga thì không biết phải chào nhau thế nào. Dừng xe trong một góc tối, hắn lén nhìn nàng chậm bước bên cạnh người quân nhân lịch thịêp. Họ thật xứng đôi làm sao. Hắn thở dài nhìn hai người khuất vào con hẻm, tự an ủi là cũng đã có được những bước song hành mới vài giờ trước đây thôi. Kéo cao cổ áo, hắn vòng xe lên Hàm Nghi, ghé quán cơm của anh chị Trung ăn bữa cuối và cũng để từ giã vợ chồng người đại diện nhật báo Sóng Thần tốt bụng.
Vừa bước vào thì gặp đúng “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” đang đưa cay với anh Trung. Hắn chưa kịp chào hỏi thì Công Tử đã chìa một mảnh giấy nhỏ - “Ông lặn ở đâu vậy? Có vài chữ cho ông đây. Tụi này ngồi trong cà phê Tùng giết thì giờ nên mới gặp Ngọc và “người hùng”.
Hắn ngạc nhiên mở thư ra xem. Nàng viết: “Gặp các bạn nên ghi vội mấy chữ. Nếu còn sớm thì Huy ghé vào đây. Trễ hơn thì về nhà chị Nga ăn cơm nha.” Hắn im lặng cất mảnh giấy vào túi, gọi phần cơm, vừa ăn vừa góp chuyện cho có lệ. Không ai hỏi gì về lá thư… Khi rời quán cơm thì đã gần 10 giờ. Phố khuya, đường vắng, ba chiếc xe nổ máy dòn tan qua phố xá đã bắt đầu dỗ giấc.Cả nhóm chưa muốn về sớm nên rủ nhau lạng một vòng, nhìn phố đêm như muốn thu hết những hình ảnh thân thương vào lòng rồi mới chịu vòng qua dốc nhà thờ, con đường ngắn nhất để về Yersin và qua Bá Đa Lộc. Ngang qua cà phê Không Tên hắn định rủ cả nhóm ghé vào vì thấy còn đèn sáng, nhưng lại im lặng vọt nhanh lên dốc, nhủ thầm sáng xuống bến xe ghé vào cũng không muộn.
Dãy gác trọ im lìm. Cả nhà bác Thiện có lẽ đã ngủ từ lâu rồi. Lên đến phòng chưa kịp mở cửa thì anh Khánh “Võ Bị” đã đề nghị đêm không ngủ. Lời đề nghị được hưởng ứng nồng nhiệt. Hai chàng Ngự Lâm còn lại chưa gì đã lo bộ bài và nấu nước pha cà phê. Căn phòng của Khánh Võ Bị rộng nhất được chọn làm nơi họp mặt để gầy xòng. Thấy hắn im lìm,chui vào phòng, Thịnh “Giám Đốc” qua gõ cửa: - “Có nhập bọn không? Lẹ lên nha. Ngủ nhiều quá uổng phí thời gian lắm.”
Từ phòng bên cạnh có tiếng Công Tử xía vào - “Đúng vậy ! Thức cho đã đi. Sáng lên xe đò tha hồ ngủ”.
Hắn gật đầu với Thịnh: - “Dọn dẹp mọi thứ xong xuôi rồi sẽ qua ngay.”
Nhưng chẳng còn gì để dọn dẹp nên hắn tần ngần lật quyển nhật ký trên bàn viết, đọc thoáng qua vài trang, ghi vài câu sau cùng để kỷ niệm một mùa trọ học huy hoàng nhưng ngắn ngủi. Thời gian như khúc phim quay lại trong đầu, rõ từng câu chuyện, từng gương mặt, từng góc phố cho đến trường lớp, giảng đường. Hắn đọc lại mấy dòng ngắn ngủi của nàng để bồi hồi nhớ lại buổi chiều dễ thương dù chẳng có một bày tỏ cụ thể nào. Một trò chơi tình cảm, hay là tâm tính cởi mở của tấm chân tình thật trong sáng? Hắn hoàn toàn không hiểu được nàng. Nhưng có một điều chắc chắn là nàng đã biết được cảm tình của hắn. Rồi sẽ dẫn đến đâu, hay mãi mãi cũng chỉ ở mức thân mật có giới hạn như hiện nay mà thôi. Hắn bất giác thở dài. Rốt cuộc cũng chỉ là mơ mộng viễn vông đáng tội nghiệp sau một mùa trọ học. Ngày mai đi rồi, bao giờ sẽ trở lại đây? Còn gặp được ai. Sẽ nói gì với nhau nếu mai này tình cờ gặp lại. Thì thôi vậy! Hắn tự an ủi. Dù sao cũng có một quãng thời gian và một hạnh phúc - tuy không trọn vẹn – nhưng cũng đủ để trân trọng suốt đời. Có tiếng gõ cửa và tiếng ai đó gọi khẽ: - Ê! Sao lâu quá vậy! Có qua không?
Hắn đáp gọn: - Qua liền! rồi uể oải buớc ra ngoài. Căn phòng chìm trong bóng tối. Chỉ còn vòm sáng của ngọn néon nhỏ trên bàn viết. Quyển sổ vẫn còn mở, trang sau cùng, dòng cuối viết về Đà Lạt là câu: “...Mãi mãi Đà Lạt sẽ sống trong tôi như là khung trời của mơ mộng và cô đơn.”
Huy Văn
Nguồn:dalatdauyeu
DANH MỤC TIN
Sản phẩm nổi bật
Sản phẩm Giảm giá
Sản phẩm mới
Tin tức mới