Mẹ ơi! nắm lấy tay con _ (phạm mai hương)
11 tháng trước

2.dalat8.jpg&mode=width&size=868x553 - 105.24 Kb

 

MẸ ƠI ! NẮM LẤY TAY CON
              
(Cả nhà dành tất cả tình thương cho Mai Chi)

Cho tôi xin
     như lời khẩn nguyện
Cho tôi xin
     khi còn tha thiết sống
Dù chỉ một lần
Đừng ai dìu tôi
     trên con đường lên dần bệnh viện
Dẫu có những tấm lòng
     săn sóc ủi an thánh thiện
Dẫu có những thần dược
     ngọt đắng nhiệm màu
Xua tan phiền não thương đau…


 
     Theo lời các dì kể lại, lúc mẹ mới sinh ra đời, người nhỏ xíu, da trắng. Đặc biệt đôi mắt tròn xoe với mái tóc xoăn đen nhánh. Mẹ chập chững biết đi, bà ngoại cho cắt tóc bum bê và cột một chùm tóc trước bằng một sợi dây thun. Đến tuổi đi học, mẹ được dì Ba dẫn ra tiệm cắt kiểu demie garcon. Kiểu tóc ấy hợp với khuôn mặt nên mẹ giữ mãi đến nửa thế kỷ không thay đổi. Lớn lên mẹ xinh xắn, người mảnh mai, khuôn mặt thon. Miệng nhỏ với nụ cười hiền dễ gây thiện cảm cho người đối diện. Chỉ khi nào cần đi ăn đám cưới mẹ mới diện đẹp, thường ngày mẹ  giản dị trong chiếc quần tây đen cũ, aó khoác bạc màu. Tuy nhiên những thứ ấy không làm mẹ mất đi vẻ thanh thoát của mình.

     Mẹ rất đổi bình thường. Mẹ không hát hay như dì Ba, lắc đầu khi dì Năm bảo viết bài về  ngoại, nhường quần áo đẹp cho dì Mười Hai. Mẹ học thua cậu Mười Một và nấu ăn ngon kém những quán nhậu ba hay đến… mẹ chỉ hơn mọi người tính hiền lành, nhẫn nhịn. Mẹ hơn một tuổi, bà ngoại nuôi một vú già trông cậu Mười mặc dù bề ngoài cậu to gấp đôi mẹ. Mẹ theo dì Năm. Dì bồng mẹ như con ếch tha con nhái, na mẹ đi khắp xóm. Mỗi lần đi học dì phải trốn, nếu không mẹ gào khóc gọi tên dì.

     Ngày còn bé, mẹ đi theo học ngôi trường Trần Bình Trọng cạnh nhà. Lớn thêm chút mẹ học trường Bùi Thị Xuân, ngôi trường tường hồng ngói đỏ, nổi tiếng với tà áo dài trắng, áo len xanh. Chưa học xong cấp 2 thì đến năm 75. Trong giai đoạn giao thời, mẹ bày chiếc rổ bán ớt bột, tiêu hành ở chợ xổm Hoàng Diệu phụ bà ngoại nuôi các cậu, dì khi ông ngoại, cậu, dì lớn đi di tản chưa kịp về.

     Mẹ có lắm người thương thầm nhưng mẹ chưa yêu ai. Gặp ba, mẹ nhận lời làm vợ và dành cho chồng một tình yêu với sự phục tùng đến lạ lùng. Mẹ làm theo bất kỳ yêu cầu nào của ba không một sự phản kháng.

     Ba làm ở cơ quan nhà nước. Thời gian có bỗng lộc giúp ba kiếm được nhiều tiền, ba tiêu xài thỏa thích với bạn bè qua những buổi tiệc rượu. Xuống chức, bạn bè vơi dần, ba an phận với đồng lương ba đồng ba cọc. Ba lập ban nhạc đánh cho đám cưới hay các buổi hát cho hội nghị. Ba đàn được nhièu loại đàn nhưng không điêu luyện ở môn nào. Có khi ba đi du lịch từ Bắc đến Nam cả tháng trời, về miền Tây đánh đàn cà tuần, ít ăn cơm nhà nhằm mùa đám cưới.

     Ba rộng rãi với bạn bè và thoải mái với con cái. Ba thích đổi mới giàn nhạc, thay đồng hồ, điện thoại theo thời trang.  Ba mua xe và giàn máy vi tính cho Anh Hai. Tôi được căn phòng riêng trang trí theo kiểu Hàn Quốc, mặc sức chụp hình đàn chó Nhật đôi lúc lên đến chục con. Ba sắm ti vi đặt ở phòng khách, nhà bếp và phòng ngủ để mẹ có thể xem bất cứ lúc nào và ở mọi nơi.

     Ba yêu mẹ theo cách riêng của mình. Tình yêu gồm tình nghĩa vợ chồng, sự sở hữu và lòng ghen tuông hòa quyện với nhau. Trừ thời gian khi anh em tôi còn bé, mẹ đi làm, mẹ có cơ hội ra khỏi nhà. Hết đi làm, mẹ quanh quẩn trong nhà. Thỉnh thoảng, ở cơ quan, đang đánh đàn, hay bên bàn nhậu ba gọi về:
     -Bà đang ở đâu đó. Bà đang làm gì?

     Ba chỉ yên tâm khi biết mẹ ở nhà hoặc đang đi chợ. Ba đi làm, anh và tôi đi học. Mẹ làm bạn với chiếc tivi. Mẹ ngồi xem tivi bên cạnh bữa cơm dọn sẵn chờ người ăn hay nằm chờ mọi người về để đóng cửa. Xem tivi trở thành thói quen của mẹ ngay khi có chồng và con cái ở nhà. Mẹ trở nên ít nói và không thích đi xa. Mọi suy nghĩ, ước muốn của mẹ hoàn toàn lệ thuộc vào ba và hai anh em tôi.

     Ngày anh Hai còn bé, mẹ sợ dạy không được nên gởi anh ở nội trú với dì Năm–cũng là một cô giáo - Cuối tuần anh về, bố và mẹ tha hồ chiều chuộng anh. Mẹ bảo: “ Lúc anh Hai mới lên ba tuổi, ba đi nhậu, anh khóc đòi đi theo. Mẹ đánh anh mấy roi, bị bà nội rầy: con của mình mà sao lại đánh”. Từ đó không bao giờ mẹ đánh hay nói nặng lời với anh em tôi.

     Anh Hai thường học và chơi ở nhà bạn. Ở nhà anh chui vào phòng riêng của mình chơi game. Tính bồng bột, anh chọn ngành học theo cảm tính nên khi ra trường không kiếm được việc làm. Thời may, người bà con giúp đưa anh đi qua Philippine làm việc. Anh thích hợp được cuộc sống bên xứ người khiến ba mẹ nhẹ người. Mỗi ngày anh gọi liên lạc qua vi tính. Mẹ chỉ ngồi nghe, họa hoằn lắm mới trả lời ừ hoặc không với nụ cười nhẹ .

     Tôi thừa hưởng nét duyên dáng của mẹ, nước da trắng bên nội. Mái tóc quăn nhẹ, óng ả dài thướt tha là niềm tự hào của tôi. Tôi rất thích thời trang và tự mình thiết kế hay sắm sửa quần áo. Mẹ muốn tôi học sư phạm nhưng tôi chán sự gò bó. Tôi chọn ngành có sự giao tiếp rộng.

     Anh đi làm được bốn tháng, còn 2 tháng nữa sẽ về thăm gia đình. Tôi vừa làm luận văn xong, chờ mươi hôm nữa cùng bố mẹ, bạn trai từ thời bước chân vào đại học lên trường làm lễ tốt nghiệp thì mẹ bệnh phải đưa về Saigon

     Buổi tối, lúc bước lên xe về Saigon, dù không nói được nhưng ánh mắt mẹ sáng lên thấy bố và tôi cùng theo mình. Mẹ không cần gì ngoài bố con tôi. Mẹ an tâm để lại Dalat tất cả.
Nhờ sự quen biết của cậu Mười Một nên mẹ được nhập viện và điều trị ngay. Sau khi xét nghiệm máu, chụp cắt lớp đầu, bác sĩ cho biết mẹ có khối u trong não và đang tìm nguyên nhân để biết u ác tính hay không.  

     Ba chọn phòng bệnh tương đối tốt cho mẹ nằm. Phòng gồm 6 giường, hai phòng vệ sinh xập xệ hai đầu. Chiếc giường bệnh trải chiếc ra giường màu cháo lòng nhếch nhác được sắp xếp thành nơi ở tạm cho mẹ và tôi. Chiếc vali và túi xách đựng quần áo kê ở đầu giường. Thau chậu, chiếu để dưới gầm. Ba thuê chiếc ghế bố đặt bên cạnh. Ba tự tay mình chăm sóc mẹ từ cái ăn, giấc ngủ. Ba muốn bù đắp cho mẹ nhưng chính ba không biết làm gì ngoài việc giục mẹ ăn, ngủ..

     Tôi là con gái rượu, chưa hề chịu khổ. Việc tôi sống lăn lóc trong bệnh viện là sự thiệt thòi nên ba chăm sóc mẹ lẫn tôi. Ba đưa mẹ đi xét nghiệm, đến phòng khám. Mỗi ngày ba lần, ba  xuống quầy căn tin mua thức ăn. Ba không muốn tôi bước ra khỏi phòng, phải đi ngang dãy hành lang với những người bệnh và người thăm nuôi nằm chen chúc.
 
     Buổi sáng sớm, tôi dậy tắm rửa trong phòng vệ sinh bệnh viện với sự gớm tởm. Tôi vấn mái tóc dài quá thắt lưng lên cao và che khuôn mặt trắng trẻo bằng chiếc khẩu trang, rồi lên giường nằm với mẹ. Trong lúc chờ bệnh viện tìm ra bệnh của mẹ, qua mạng 3G, tôi vào internet lên facebook tìm niềm vui tán gẫu với bạn bè.

     Trong bộ quần áo màu xanh lá của bệnh viện trông mẹ nhỏ bé và xanh xao. Mẹ vẫn ít nói, nằm yên dường như bình an trong hoàn cảnh chung quanh. Nhưng chỉ trong một tuần lễ đầu, tôi cảm nhận một sức mạnh tiềm tàng ẩn trong con người tưởng như nhỏ bé ấy. Mỗi sáng mẹ đi chợ, cô Mười đầu ngõ gởi mua bó rau, bác Quy cạnh nhà nhờ mua miếng thịt…người món này, kẻ món kia. Có khi mẹ phải đi hai, ba chợ nhỏ mới mua đúng ý người nhờ. Mẹ chia sẻ tình cảm với cô Huệ em, bạn thân khi còn nhỏ xíu nay bán hàng xén ở chợ xỏm Mỹ Thành. Mẹ cười chào hỏi ông Tám Lạng, bà Thông dọc con đường ra chợ…. Cách một ngày, mẹ xuống thăm ngoại, chỉ để đưa ngoại hủ yaourt tự làm. Mẹ phụ Cậu Mười bán phở mỗi lễ Tết. Đầu xuân, mẹ lì xì cho từng đứa cháu dù đi làm hay còn đi học. Chị em cùng làm dâu mẹ đối đãi như dì Năm, dì Mười Hai…. Mẹ đối chân tình với các bạn làm cơ quan cách đây hơn chục năm.

     Mẹ là tấm gương của sự đức độ. Mẹ không cãi vã, tranh chấp, ghen tị với bất kỳ ai. Mọi người thắc thỏm hướng về mẹ :
     -Tại sao một người nhân hậu như mẹ lại đau.

     Dì Năm bộc bạch:
     -Người ta phải tập làm điều lành, tránh điều dữ. Còn mẹ cháu, cái tốt có tự trong tâm.

     Dì Mười Hai đau lòng:
     -Phải chăng Bồ Tát thử thách người hiền

     Người gọi điện, kẻ đến thăm. Nhìn mẹ mê man, mọi người đau xót bóp tay, xoa vai. Thức ăn, nước uống, sữa của người đến thăm chất đầy trong chiếc tủ cá nhân để đầu giường Mẹ dạy tình người không tạo bởi những bạn bên bàn rượu hay những lời không có thật trên facebook mà ở tấm chân tình.

     Khi đưa mẹ vào phòng mổ để chọc não sinh thiết, tôi mới nhìn thấy mẹ tôi thật đơn giản không một món nữ trang trên người. Chiếc nhẫn cưới mòn và gãy từ lâu, ba không để ý và mẹ cũng không tự  sắm sửa.

     Hôm sau, mẹ phát bịnh nặng. Mất ngôn ngữ, tay chân cử động khó khăn. Những ngày phải chuyền nước biển và thuốc, mẹ tiểu tiện không kiểm soát, trí nhớ không còn. Mẹ không nhận ra người thân và quên tất cả mọi việc. Mẹ chập chờn trong cơn mê và tỉnh nhưng một đêm tôi thức giấc, tôi chợt nhận ra mẹ nằm thật sát ngoài để tôi nằm thoải mái hơn. Dù trong cơn mê mẹ vẫn dành cho con giấc ngủ êm.

     Giờ tôi thay ba lo việc vệ sinh cho mẹ mỗi sáng. Mẹ như một đứa trẻ làm theo yêu cầu của người chăm sóc. Ánh mắt của mẹ tựa như mắt con thỏ con bị dồn vào đường cùng nhìn tôi dò hỏi xem cần phải làm gì. Mỗi ngày, Ba đi mua thức ăn, đút cho mẹ. Ba mua gì, mẹ ăn nấy. Ba đưa bao nhiêu, mẹ ăn bấy nhiêu. Thói quen không trò chuyện cùng nhau khiến chúng tôi không trao đổi tình cảm bằng lời nói mặc dù ba là người hoạt bát và tôi được bạn bè khen có nhiều kiến thức.. Trừ lúc mẹ phải khám bệnh, thường thì ba đọc báo, tôi lướt web. Mẹ vô cảm nhìn tivi.

     Bác sĩ báo cho ba biết mẹ bị u não ác tính thì bầu trời dường như sụp đổ xuống gia đình tôi. Ba tự hứa nếu mẹ khỏe lại thì ba sẽ chiều mẹ hết mực, dẫn mẹ đi chơi đây. Các cậu dì, anh chị... chảy nước mắt vì thương mẹ. Bà ngoại đã gần 90 tuổi gọi điện hỏi thăm sợ tre già khóc măng non.

     Giữa bao bộn bề rối ren mẹ im lặng, không rên đau, không than thân trách phận, mẹ chỉ gật hoặc lắc đầu thỉnh thoảng trả lời những câu hỏi thông thường:
     - Ăn gì  ?
     - Gì cũng được.
     - Khỏe không?
     - Khỏe

     Mẹ trả lời bằng giọng nhỏ nhẹ và cười thật thanh thản. Nhưng nhìn kỹ mới thấy mái tóc ngắn của mẹ xanh mướt nay chưa đến một tháng mà bạc trắng nửa đầu. Phải chăng mẹ dấu sự đau đớn suy nghĩ vào bên trong lòng hay mẹ chưa thoát ngoài vòng lo âu, buồn bã.

     Thời gian chờ mẹ đủ sức khỏe để xạ trị thật đáng sợ. Ngày dài đăng đẳng trôi qua. Đêm thao thức bởi tiếng rên rỉ, tiếng niệm Phật của người bệnh tưởng chừng không thấy ánh mặt trời ban mai. Lòng từ tâm, tính nhẫn nhịn của mẹ động đến trời cao. Mẹ đau lòng nhìn ba vò đầu khi nghĩ số tiền mang theo cạn dần thì nguồn tiền từ khắp nơi gởi về cho mẹ chữa bệnh: họ hàng bà con, bạn bè ở Dalat, từ Mỹ hay tận miền Tây… số tiền lớn hơn số tiền ba tích lũy được dẫu vào thời hoàng kim của ông. Có người thương mẹ ăn cơm bệnh viện nên hàng ngày nấu cháo, đem cơm vào.

     Mẹ không muốn con gái mẹ mỗi sáng phải vất vả tắm rửa cho mình. Mẹ không muốn anh Hai bỏ việc về nước thì đột nhiên mẹ có dấu hiệu bình phục. Mẹ bắt đầu nhận biết mọi chuyện, biết nói chuyện.

     Mỗi buổi chiều dì Năm, từ quận Tân Phú vào bệnh viện 115 thăm mẹ. dù chỉ hơn mẹ có 6 tuổi nhưng dì xem mẹ như người con gái lớn. Dì không cho mẹ nhìn màn hình ti vi mà bóp tay, bóp chân, thì thầm vào tai mẹ những câu rất đơn giản:
     -Em tên gì ?
     -Có mấy ngón tay
     -Một cộng một bắng mấy?

     Khi mẹ lắc hay gật. Dì không chịu, buộc mẹ phải nói, giọng mẹ nhỏ, ngập ngừng
     -Em phải nói thì mới quen được.

     Dì vừa nói, vừa chọc mẹ cười. Dì tới nếu mẹ chưa thấy, dì hù nhẹ khiến mẹ cười. Ánh mắt mẹ vui nhìn bóng dì bên cạnh. Dì lấy điện thoại gọi về Dalat cho mẹ gặp bà ngoại hay dì Mười Hai mà mẹ thương nhất. Đôi lúc dì tới mẹ ngủ, dì ngồi nhìn mẹ, tay bóp nhẹ tay mẹ. Lúc đó khuôn mặt dì thật buồn.

     Sau mấy đợt xạ trị, mẹ tiến triển nhiều. bác sĩ điều trị buột miệng:
     -Bà mới hồi phục được như vậy là đúng là phép lạ.

     Mọi người nói mẹ nhờ Trời Phật cứu độ. Mẹ trở về của mẹ của ngày nào chỉ trừ mái tóc rụng hết. Mẹ nhớ lại mọi chuyện, nhìn ra người thân, hàng xóm láng giềng… Mẹ đi đứng, nói năng bình thường không ngọng nghịu. Quả phép lạ đã xảy ra.
 
     Anh Hai đã về phép. Mẹ thẩn thơ theo chồng con đi siêu thị sắm sửa cho anh Hai khiến anh không nghĩ mẹ mới trải qua cơn thập tử nhất sinh. Có điều mẹ thật ít nói.

     Ba tháng trôi qua dài như ba thế kỷ.

     Anh Hai qua lại nơi làm việc với lời hứa cuối năm được phép sẽ cho cả nhà đi du lich. Ba lên Dalat trở về với công việc. Tôi và dì Năm đưa mẹ đi xạ trị. Lần xạ trị cuối cùng đã qua. Ngày mai mẹ và tôi trở về lại căn nhà thân yêu của mình với giàn hoa, ghế xích đu với đàn chó Nhật ngộ nghĩnh

     Ngày mai, về lại nhà, tôi sẽ chăm sóc mẹ theo cách mà tôi chưa làm.

     Tôi cùng mẹ đi chợ, mua và nấu những thức ăn mà mẹ thích 
     Tôi dẫn mẹ đi dạo con đường Hàn Thuyên lên khu rừng thông ở đồi Lê Lai mỗi chiều xuống
     Tôi diện cho mẹ áo quần đẹp để mẹ đẹp hơn.
     Tôi cùng mẹ đi học yo ga…
     Tôi trò chuyện và chọc mẹ cười ….
     Tôi ngủ với mẹ mỗi khi ba đi trực để mẹ không còn làm bạn với ti vi.
     Tôi bày mẹ vào internet, vô facebook trò chuyện với anh Hai, bạn bè…
     Tôi với mẹ sẽ chiến thắng căn bệnh quái ác này.
     Tôi muốn mẹ phải sống thật lâu để trông nom cháu nội ngoại.
     Tôi muốn nhiều điều và tôi biết mình phải làm gì…

     Nhưng trước hết. Mẹ ơi! Nắm lấy tay con!



PHẠM MAI HƯƠNG
(Tháng 10/2014, nhớ về Dalat)

Nguồn:dalatdauyeu

Tin tức mới

Scroll
.