Để Tưởng Nhớ Bùi thị Nhẫn Thương
Vượt lên đỉnh dốc, Nhật ngừng lại để thở. Đã quá tuổi năm mươi, nhìn lên con dốc hình như đã cao lại dài thêm. Chàng đang ngơ ngác nhìn quanh, rồi vẫy cô hướng dẫn viên lại gần. Nắng chiều rực rỡ trong không khí lạnh, làm tươi thêm nụ cười của người con gái xứ hoa đào và đôi má nàng hồng đỏ. Hai người lặng lẽ đi về phía những căn nhà bao quanh hàng rào dây kẽm. Nhật bồi hồi nhận ra một phần quen thuộc của cảnh vật đã phai mờ trong ký ức. Chàng đánh vần từng chữ trên tấm bảng treo ngay cổng chính mà nước mắt rưng rưng. Doanh trại Quân đội Nhân dân. Màu vàng của chữ, nổi trên màu máu đỏ, làm cho tim chàng như muốn vỡ tung ra. Đúng thật rồi. Tòa nhà cao lớn vượt hẳn lên những căn nhà lụp xụp nằm kia chính là bộ chỉ huy. Nhưng cái sân lớn rộng thênh thang của Vũ đình trường dạo trước, giờ không còn nữa. Tất cả đều mang một màu ủ rũ dưới lớp bụi thời gian. Chỗ này đây chắc là vọng gác Anh Đào, vì nó ở gần cổng chính. Xa xa dưới thung lũng kia chắc là vọng gác Rừng Thông, giờ chỉ còn là đám cỏ cháy, loang lổ, hoang tàn, héo úa.
Nhật quay trở lại. Ô hay, phía sau lưng chàng phải là trường nữ trung học Bùi thị Xuân mà sao chẳng thấy. Nó ở đâu trong những căn nhà san sát mọc lên như nấm dại. Cả một thung lũng quen thuộc yêu thương giờ còn đâu nữa. Như đoán được ý nghĩ của chàng, cô gái lại cười, nụ cười tươi như cánh hoa hồng có cả hương thơm:
- Tôi thấy ông có vẻ quen đường. Từ nãy giờ tôi chỉ đi theo ông chứ chẳng chỉ dẫn được gì. Ở phía bên kia con đuờng là trường nữ trung học Bùi thị Xuân. Trừơng vẫn còn ở chỗ cũ nhưng đã bị che khuất, bởi những căn nhà mới xây này đây.
Chàng thở dài bước đến và ngồi xuống một chiếc ghế của quán giải khát bên đường. Cô gái theo sau, nhanh nhẹn tươi vui như con chim sáo nhỏ. Nhật thờ ơ để cô gái chọn cho thức uống. Đã gần ba mươi năm chẵn, cảnh vật đổi thay nhiều quá. Đôi mắt chàng trĩu nặng. Trước mặt chàng chỉ là một màu tím mênh mông, xen lẫn với màu vàng của những chiếc lá thu khô, héo hắt, của một mùa thương cũ đã xa xôi.
Nhật nhớ rất rõ về nàng. Nhất là nụ cười tươi như hoa hồng thắm. Nụ cười có cả hương thơm.
Ngày ấy, những ngày tháng đầu đời nằm trong quân trường ở miền đất mù sương Đà lạt, là những ngày tháng không thể nào quên. Ba mươi năm mà Nhật tưởng chừng như chỉ vừa mới đây thôi, thuở chàng còn là cậu lính học trò. Một tập thể gần bốn trăm người, sống một đời nửa thư sinh nửa phong trần. Mà kỷ niệm thì đầy ắp trong những ngăn ký ức.
Nhật nhớ tới Loan, nguời con gái trong căn nhà nhỏ, nằm khép dưới chân dốc phố, trước cổng trường mà bây giờ chàng chưa tìm thấy. Ngày ấy, Loan không đẹp sắc sảo, không được học nhiều, để chàng hãnh diện với chúng bạn có người yêu là nữ sinh Bùi thị Xuân, hay những cô sinh viên bên trường Chính trị kinh doanh. Một cái mốt rất thịnh hành với lũ bạn chàng lúc bấy giờ. Loan chỉ là cô gái hái hoa đem ra chợ bán. Nàng hiền lành, làm ăn chân chất, giúp cha mẹ nuôi nấng các em. Loan quê mùa đến nỗi mỗi lần chàng mời nàng vào dự dạ vũ trong trường, thấy các cô gái khác tình tứ khiêu vũ với các bạn của Nhật là nàng nằng nặc đòi về. Nhật biết rằng, Loan sợ vì nàng không hề biết khiêu vũ là gì. Sợ bị làm trò cười cho những chàng sinh viên hào hoa, những cô nàng nữ sinh lúc nào cũng làm ra vẻ ngây thơ nhưng vô số tội. Thôi thì Nhật lại đưa nàng về. Chàng hơi ngần ngại bởi vì muốn được đưa Loan về nhà thì Nhật phải đành trốn phố. Suy nghĩ vài giây, khóac vội vào người bộ quần áo trận chàng tỉnh bơ đưa Loan ra cổng. Vừa đi Nhật vừa khe khẽ hát "Đà lạt lạnh môi em vừa đủ ấm", thế nào khi về đến nhà Loan cũng đền cho chàng vừa đủ ấm.
Thật sự Nhật là một sinh viên sĩ quan rất có trách nhiệm và kỷ luật. Chỉ có điều chàng hơi lè phè bởi cái tính học đòi làm nghệ sĩ. Nhật nhìn cuộc đời như nhìn một bức tranh và thưởng thứùc đời sống như đọc một bài thơ. Thấy các bè bạn thường hay trốn trại mỗi đêm để đi với đào, chàng cũng bắt chước trốn phố một đêm để tìm cảm giác. Người ta đi vì có mục đích rõ ràng, bởi vì trốn phố vô cùng nguy hiểm. Nếu bị phát giác vài lần sẽ vác ba lô ra trường sớm hơn chúng bạn. Nhẹ lắm là cả mười đêm dã chiến. Thành thử anh chàng sinh viên nào mà các cô đào cần lắm mới dám liều mình trốn phố. Cũng có những anh đi riết đâm ghiền, trốn phố hàng đêm. Chuyện này đã làm nhiều anh vỡ mộng, thay vì ngày ra trường đeo hoa mai trên cổ áo, mấy anh thường trốn phố lại vác cánh gà nặng trĩu trên tay. Đó là còn may mắn, nếu không, buổi sáng lò mò leo rào vào lại quân trường, bạn bè gác giặc tưởng đâu là Việt cộng, tặng luôn vài viên đạn thì xong một đời hy sinh cho tình yêu nồng cháy.
Nhật nhớ lại cái đêm đầu tiên lần trốn phố. Chàng trốn phố chỉ là đua theo chúng bạn, chứ Nhật biết rằng Loan là một cô gái đứng đắn, không bao giờ có thể cho chàng chuyện ấy. Nhưng mà cần gì chuyện ấy. Được nhìn và dạo phố Đà lạt ban đêm với một người con gái đã là sung sướng lắm rồi. Nhật không thể nào quên được khuôn mặt sững sờ của Loan trong đêm đầu tiên chàng chợt hiện ra nơi khung cửa sổ. Rồi nỗi vui mừng và hãnh diện là Nhật đã vì nàng mà trốn phố to lớn đến nỗi Loan quên cả sự hiện diện của cha mẹ. Nàng chạy đến ôm chầm lấy Nhật. Đêm hôm ấy Nhật xin phép cha mẹ của Loan dẫn nàng đi ăn mỳ Ngọc Hiệp. Ăn xong là hai đứa chúi đầu coi xi nê. Trong rạp, đôi lúc Nhật còn giả vờ quên, vô tình để tay lên đùi Loan mà vẫn thấy nàng im lặng làm chàng phân vân quá. Ra khỏi rạp, đưa nàng về nhà Loan hỏi:
- Anh về trường luôn bây giờ phải không?
Nhật chưa biết trả lời sao. Mới mười hai giờ khuya, mò về trường bây giờ rất nguy hiểm. Mấy thằng bạn gác đêm có lẽ đang ngủ gật trên vọng gác. Leo rào trở vào giờ này, nó mắt nhắm mắt mở không biết gì lại bắn hoảng vài phát thì xong đời. Mà chẳng lẽ lại la lên tao đây đừng bắn thì có khác nào bảo mấy ông sĩ quan trực là tôi trốn phố đây, bắt tôi đi. Chỉ có mờ sáng trở về là tiện nhất. Khi ấy, mấy thằng bạn gác đêm cũng vừa tỉnh ngủ, những ông sĩ quan cán bộ chưa vào. Anh chàng trốn phố cứ việc tà tà đi qua cổng chính. Cổ áo field jacket kéo cao lên để che chiếc Alpha. Tỉnh bơ như người Sài gòn, đường hoàng mà bước.
Nhật coi lại đồng hồ nhận ra bây giờ thì quá sớm. Hay là chàng đi lang thang một mình ngắm sao đêm Đà lạt. Nhưng khuya khoắt ở ngoài đường mấy ông quân cảnh lại tưởng quân gian, hốt về đồn thì cầm chắc nắm sự vụ lệnh ra đơn vị sớm trong tay. Thấy Nhật đứng yên suy nghĩ. không trả lời, Loan lại tưởng chàng muốn nằm ở lại nên tội nghiệp.
- Hay là vào trong nhà nói chuyện với em một lát, nghỉ đến sáng hẵng về, được không.
Nhật sung sướng gật đầu. Chàng không ngờ mình gặp may đến thế. Hai đứa im lặng dắt nhau vào căn nhà tối đen, nhẹ nhàng như hai con mèo đêm. Mọi ngưòi hình như đã say ngủ chẳng để ý gì đến Nhật và Loan. Vào đến giường Loan thì thầm.
- Anh nằm nghỉ đây một lát, em qua bên kia với mẹ.
Bóng đêm làm cho Nhật bạo dạn hẳn lên, chàng ôm siết lấy nàng, khe khẽ rót vào tai Loan những lời tha thiết.
- Qua bên kia với mẹ làm gì. Ở dây nói chuyện với anh. Nếu không anh đi về đây.
Loan ngan ngoãn ngồi xuống bên cạnh Nhật. Hai đứa lại nói với nhau những câu ngớ ngẩn, lộn xộn không đầu, không đuôi, để che dấu những rung cảm vừa chợt nổi lên trong thân thể. Chàng cố gắng vẽ cho nàng một bức tranh tương lai rực rỡ trong những lời hứa hẹn. Cuối cùng thì Nhật liều lĩnh nằm dài xuống giường, kéo Loan xuống cạnh bên mình, chàng cũng giả vờ vô tình đặt tay lên đùi của Loan. Lạ chưa, nàng vẫn yên lặng như không hề hay biết.
Đêm đó Nhật ngủ quên đến sáng bạch mới ngồi dậy được. Chàng cuống cuồng khi nghĩ đến lúc phải vào cổng trại. Không biết đêm qua chàng đã làm gì mà ngủ say đến thế. Nhật cố nhớ lại. Không, chàng có làm gì đâu ngoài việc đặt tay lên đùi nàng để ngủ. Chính Loan cũng ngạc nhiên khi thấy chàng chẳng làm gì, dù nàng không thất vọng. Nhật quên cả hôn Loan giã từ và lời hẹn gặp nhau trong ngày chúa nhật, chàng chỉ kịp vẫy tay rồi bắt đầu chạy bộ. Nhật thấy hơi kỳ, nhưng nỗi lo bị phạt làm chàng không còn cách nào hơn. Chắc cả phố phường Đà lạt dạo ấy cũng buồn cười và ngạc nhiên, có anh chàng lính vừa đi vừa chạy như bị ma đuổi. Cuối cùng, sau khi qua mặt bao nhiêu người chàng cũng đến được cổng trường. Hai tay đút vào túi áo field jacket, kéo cho mũ lưỡi trai sụp xuống, chàng cố làm ra vẻ thản nhiên bước vào cổng trại. Bỗng có tiếng người từ trong vọng gác gọi to làm Nhật giật bắn người lên:
- Anh kia, anh kia, đứng lại.
Trời ơi, bỏ mẹ rồi. Dù không dám nhìn lại để đối diện với sự thực Nhật cũng biết rằng với cái giọng hách dịch như thế thì người nói không phải là bạn bè hay khóa đàn em. Đúng như Nhật dự đoán, đó là ông đại uý già Đỗ văn Lưu, làm ở Văn hóa vụ. Hôm nay không hiểu sao ông lại ra trực cổng ở đây. Với ông này vốn đã quá biết mặt chàng, nên Nhật chẳng có thể nói láo hay giả vờ làm lính cơ hữu. Mà cái tội trốn phố đi nằm với gái thế này thì nhẹ lắm cũng vài chục ngày trọng cấm. Nhanh trí, Nhật đã nghĩ ngay ra một cách nói dối mà chàng hy vọng qua mặt được ông đại úy gà mờ. Nhật tươi cười quay lại, đứng nghiêm chào.
- Khỏe không đại úy. Sao bữa nay ông ra trực ở đây à.
Đại úy Lưu mặt vẫn nghiêm trang. Ông quên đi ngay những lúc khề khà cùng Nhật bên bao thuốc lá mà chàng mới mua, hay tách cà phê ở câu lạc bộ mà Nhật đã dành ghi sổ . Ông lạnh lùng hỏi lớn:
- Anh đi đâu về đó. Trốn đêm qua ra phố phải không?
- Đâu có, chết thật, tôi đâu dám trốn phố. Tôi vừa ra ngoài lúc nãy. Có anh sinh viên gác kia kìa thấy đó.
Vừa nói Nhật vừa chỉ tay về phía người sinh viên khóa đàn em đứng gác với hy vọng phe ta làm chứng gian cho. Tối hôm qua tôi gác trên vọng Anh Đào làm rơi thùng đạn ra phía ngoài kia, phải đợi đến sáng mới dám đi ra ngoài này để tìm.
Anh Đào là tên một vọng gác ở gần ngay cổng chính. Thấy Nhật nói tỉnh bơ như vậy đại úy Lưu nửa tin nửa ngờ hỏi lại.
- Thế thùng đạn đâu?
- Dạ dạ. Đâu có thùng đạn nào đâu. Chẳng là tôi cứ tưởng là thùng đạn rớt ra ngoài, nhưng mà không phải. Trong lúc đang tìm thì thằng bạn nó thấy rơi ngay đưới chân gọi cho tôi biết nên tôi vội vàng vào đây.
- Thế cái anh kia đâu?
- Dạ thưa anh nào?
- Cái nhà anh gác cùng với anh đó.
- Á à. Thằng đó nó về liên đoàn rồi. Sắp đến giờ tập họp rồi đại úy không biết à.
Đại úy Lưu lừ mắt nhìn chàng đe dọa.
- Anh chỉ bố láo bố lếu. Coi chừng cái xác anh. Tôi mà biết anh trốn phố là anh chết với tôi. Muốn làm sĩ quan không muốn lại thích làm lính thì mặc xác nhà anh. Thôi đi đi.
Nhật mừng húm quay vào, lòng sung suớng như mở hội. Chàng không ngờ với tài nói dối chàng đã qua mặt được ông đại úy già đáng tuổi bố mình một cách dễ dàng. Trong lúc sung sướng, Nhật quên nghĩ lại rằng có thể đại úy Lưu thấy chàng tội nghiệp như con nên tha cho không hạch hỏi. Nhưng mà sự sung sướng đến với chàng không quá sáu mươi giây. Vào đến doanh trại, chàng thấy đại đội đã tập họp nghiêm chỉnh. Đứng trước hàng quân là hung thần ác sát Trần văn May, tự Kinh nước đen, Trung úy sĩ quan cán bộ đại đội trưởng của chàng. Chết thật rồi. Nhật muốn chạy trốn nhưng không kịp nữa. Trung úy May ngước nhìn lên đã thấy chàng. Mọi người đang mặc đồ làm việc mùa hè, quần áo ka ky vàng, phu la xanh trên cổ, sạch sẽ, gọn gàng, sẵn sàng vào lớp. Riêng chàng đang khoác trên người bộ đồ trận màu xanh, bẩn thỉu với bụi và bùn vừa không giống ai.
Trung úy May không thèm nhìn Nhật, chỉ nói trống không.
- Anh vào thay đồ rồi ra trình diện.
Năm phút sau, Nhật đã gọn gàng sạch sẽ trong bộ đồ đến lớp. Chàng xách cặp ra trườc hàng quân trình diện. Trung úy May vẫn còn đứng chờ. Mặt ông lúc nào cũng hằm hằm dễ sợ.
- Anh đi đâu mà giờ này mới về. Trốn ra phố đêm qua phải không?
Nhật đã sắp sẵn những câu nói trong đầu nên bình tĩnh trả lới không chút ngượng ngập.
- Dạ đâu có trung úy. Tôi ngủ quên tại vọng gác.
- Anh gác vọng nào.
- Dạ ở vọng Rừng thông.
- Hừ, thật vậy không. Sinh viên sĩ quan quân số đâu. Đưa sổ gác tôi coi.
Sự thực thì đêm qua Nhật có gác tại vọng Rừng thông từ sáu giờ tối đến tám giờ. Sau khi bàn giao cho thằng bạn kế tiếp xong là Nhật dông luôn ra phố. Trung úy May biết có hỏi những sinh viên khác cũng vô ích. Chúng nó sẽ bênh nhau sẽ trả lời không biết. Không bắt được tại trận thì phạt về cái tội ngủ quên trễ giờ tập họp. Ông chợt nhớ ra điều gì nên gọi to.
- Sinh viên trung đội trưởng đâu? Sao lúc nãy báo cáo quân số đủ?
Sinh viên sĩ quan trung đội trưởng Văn đức Tường ú ớ, không biết trả lời sao cho ổn, nên đành nhận lỗi. Trên đưòng đi đến lớp nó cằn nhằn Nhật rồi chửi thề. Nói mãi cũng làm Nhật bực mình.
- Đù má, lỗi tại mày không đếm kỹ thì ráng mà chịu. Sao cứ nhè tao mà chửi hoài vậy?
- Tao mà đếm kỹ thì mày đã bị bắt tại trận rồi con ạ. Ông biết mày lặn từ tối hôm qua kia. Đù má, con nào nó cho ăn cái gì mà ngủ mê mệt thế. Đến giờ tập họp mới vác xác vào.
Nhật nhìn thằng bạn thầm cảm ơn, vì nó đã hy sinh che chở cho. Chàng ân hận đã làm cho nó bị phạt lây. Chiều hôm đó, sau giờ tan học, trên đường về doanh trại, đại đội B sinh viên sĩ quan chưa tan hàng ngay như các đại đội khác. Sinh viên sĩ quan đại đội trưởng Bùi ngọc Đáng, trịnh trọng lôi trong hồ sơ ra một cái lệnh phạt để tuyên đọc trước hàng quân. Sau khi hô ngiêm, nghỉ nó hét lên:
- Lệnh phạt.
Cả đại đội đang thao diễn nghỉ bỗng đứng nghiêm lại im phăng phắc. Đáng cố lấy giọng đầy uy quyền đọc thật to:
- Nay tuyên phạt sinh viên sĩ quan Nguyễn bá Nhật số quân 67/806662 thuộc đại đội B, trung đội 5, ba đêm dã chiến vì đã ngủ quên không tập họp đúng giờ. Sinh viên sĩ quan trung đội trưởng Văn đức Tường hai điểm trừ vì đã tắc trách trong nhiệm vụ. Liên đoàn sinh viên sĩ quan và hai sinh viên có tên nêu trên, chiếu thi hành quyết định này. KBC 4648 ngày tháng năm. Trung úy Trân văn May. Đại đội trưởng đại đội B - ấn ký.
Đến khuya, khi các bạn ngủ say thì Nhật mò dậy chuần bị ba lô súng đạn. Đúng mười hai giờ đêm trình diện dã chiến. Sĩ quan trực liên đoàn hôm đó là Thiếu úy Nguyễn mậu Lộc khóa đàn anh của Nhật. Đứng trước đàn anh, Nhật tưởng gặp may, mừng rơn cố hét thật to trong lúc trình diện.
- Sinh viên sĩ quan Nguyễn bá Nhật, trung đội 5, đại đội B, trình diện niên trưởng.
Không hiểu vì khó ở trong người, hay là tại đào địch tới thời kỳ chẳng cho, mà Thiếu úy Lộc đâm ra cáu thằng đàn em. Ông hừ một tiếng rồi sửa lưng:
- Anh là sinh viên, phải kêu tôi bằng cấp bực. Không có niên trưởng niên phó gì hết. Mai mốt anh ra sĩ quan như tôi. Lúc đó tha hồ mà gọi niên trưởng. Rõ chưa?
- Dạ rõ.
- Anh có mang đủ đạn dược và quân trang quân dụng không đấy?
- Dạ đủ.
Thiếu úy Lộc đi vòng quanh một lượt trong lúc Nhật vẫn đứng nghiêm. Ông đang tìm cớ để hành xác Nhật. Hơn ai hết, ông biết tỏng rằng Nhật đêm qua trốn phố. Là đàn anh của Nhật nên ông đã rõ, đã qua cầu gió bay lận đận này rồi. Thì chính ông và các bạn cùng khoá chỉ đường vẽ lối cho bọn đàn em chứ ai vào đây nữa. Nhưng mà thằng này ngu si và mê gái quá. Trốn phố mà đợi sáng bảnh mắt ra mới chịu mò vào, thật là một lầm lẫn lớn không thể tha thứ được. Là đàn anh thì lúc nào chẳng thương đàn em. K hông hại đời nó bằng những ngày phạt trên giấy tờ, nhưng phải dạy cho nó biết sợ mà chừa đi, kẻo có ngày vác ba lô ra trường sớm. Mà thương thì phải cho roi cho vọt. Ông bà mình ngày xưa chả nói thế là gì. Nghĩ thế đột nhiên ông hỏi Nhật:
- Bi đông của anh có đầy nước không?
- Dạ đầy.
- Đưa đây tôi coi
Nhật tháo bi đông đưa ra trình. Ông mở nắp mà không thèm nhìn vào:
- Thế này mà anh bảo đầy à. Còn một mi li mét nữa mới lên tới miệng. Làm cho tôi một trăm cái hít đất trong năm phút, vừa làm vừa đếm to lên.
Nhật hô to hít đất vào thế, rồi chàng chống hai tay bắt đầu vừa hít đất vừa đếm. Mới đầu chàng còn hét to, sau cứ yếu dần. Đến cái thứ năm mươi thì Nhật hết còn nói được. Đến cái thứ một trăm thì trời đất đã như quay cuồng. Tiếng đếm số không còn hùng dũng như trước nữa, mà trở thành tiếng rên dài thảm não. Khi đủ một trăm cái, sắp sửa trình diện thiếu úy Lộc thì ông gạt đi.
- Tôi bảo anh làm trong năm phút thôi, thế mà những tám phút mới xong. Bây giờ anh chạy cho tôi mười vòng sân liên đoàn. Vừa chạy vừa la lớn lên. Tôi không trốn phố. Tôi chỉ ngủ quên trong vọng gác.
Nhật hô to tuân lệnh rồi chạy đi ngay như bị ma đuổi. Vừa chạy vừa la thật lớn. Chừng bốn năm vòng thôi là Nhật đã thở rống lên. Đến vòng thứ mười thì chàng gục ngay xuống đất. Nhưng niên trưởng Lộc vẫn chưa tha. Ông kiên nhẫn chờ cho sức lực Nhật hồi phục lại, để rồi lại ban những hình phạt khác cho đến khi chàng không còn nói được. Cứ như thế cho đến bốn giờ sáng. Tới khi được tha cho về thì Nhật đã đi không muốn nổi. Lúc ấy thiếu úy Lộc mới ghé tai thằng đàn em bảo nhỏ:
- Có cần nhắn gì với ngưòi đẹp không, về viết thơ. Mai tôi sẽ mang ra cho.
Nhật sợ hãi lắc đầu. Cả một đêm bị hành xác cỡ này khiến chàng ớn lạnh và hết cả ham muốn. Cố gắng bồng súng lên chào người niên trưởng, chàng lê tấm thân về doanh trại. Vừa buớc vào cửa phòng là Nhật ngã đổ xuống như cây chuối bị người ta chặt. Lũ bạn đã chạy ra khiêng chàng lên giường, đứa cởi ba lô, thằng thì cất súng, tên khác tháo giày. Nhật trôi nhanh vào giấc ngủ vì mệt nhọc, mặc cho lũ bạn cùng phòng thanh toán hộ bao nhiêu đồ đạc lỉnh kỉnh mà chàng đã mang theo. Họ đã quá quen thuộc với cảnh này, nên làm rất gọn gàng, thứ tự. Vũ đỗ Triệu, biệt danh Triệu "híp... pi", sau khi lo lắng cho Nhật xong, vớ lấy tấm hình của Loan mà Nhật đặt ngay ngắn trên ngăn tủ chìa cho những đứa khác xem rồi lắc đầu thương hại:
- Mẹ kiếp, con ghẹ này xấu như ma lem mà cũng trốn phố làm gì cho khổ tấm thân.
Một khoảng thời gian thơ mộng đã trôi nhanh, chắc chẳng bao giờ còn gặp lại trong đời. Rồi đến một ngày bọn chàng phải rời xa Đa lạt, bỏ lại sau lưng những kỷ niệm, những con đường. Ngày mà Nhật và bạn bè quỳ xuống vũ đình trường để gắn hoa mai lên cổ áo, chàng đã được hiên ngang bước ra khỏi cổng trường, thế nhưng không còn tìm được cái cảm giác hồi hộp, quyến rũ của nhưng lần trốn phố. Đêm cuối cùng, Đà lạt ướt sũng nước mắt của Kiều Loan. Chàng đành phải dỗ dành.
- Nín đi em. Anh hứa chắc là anh sẽ trở về.
- Thật không anh. Về với em anh nhé. Em sẽ đợi anh trong suốt cuộc đời này.
Nhật thề non hẹn biển hứa chắc chắn sẽ trở về. Chàng nói để cho Loan yên lòng, nhưng trong bụng buồn cười với lời hứa đợi chờ, như trong một vở hát cải lương của người con gái. Thời gian mãi dần trôi. Nhật vẫn nhớ lời hứa ngày xưa, nhưng không làm sao giữ nổi. Những cuộc hành quân dài dằng dặc suốt năm này qua tháng nọ. Những đạn bom, mìn bẫy trên quê hương mịt mờ khói lửa đã ngăn cách lối về. Cho đến một ngày kia, bọn chàng nằm trọn vẹn trong tay kẻ thù, nơi một miền núi hoang vu, xa tít mù xa của đất Bắc điêu tàn, thì nỗi hờn căm đã thiêu cháy những nhớ và thương. Khi được thả về thì những lo toan để trốn khỏi đất nước nghèo đói xác xơ ập đến.
Thoáng chốc mà đã ba mươi năm. Bây giờ chàng mới giữ được lời hứa ngày nào với cô gái hàng hoa Đà lạt ngây thơ năm xưa. Đường về miền đất lạnh đầy ắp những kỷ niệm này đây, chàng phải đi gần hết cả cuộc đời mới tới. Nhưng người năm xưa giờ đã lưu lạc phương nào. Cảnh vật đổi thay, lạ lẫm. Chàng không thể nhận ra, ngay cả lối vào ngõ cũ mà ngày xưa chàng từng quen thuộc.
Tiếng cười của cô gái nhỏ làm cho chàng chợt tỉnh. Nhật ngượng nghịu đưa tay lên dụi mắt. Chàng nhìn ly nước đá đã tan thành bọt muốn bày tỏ đôi lời phân trần thì nàng lại nói.
- Ông vừa mới ngủ một giấc thật dài ngon lành trên ghế. Tôi đã nói rồi, leo dốc làm ông mệt lắm mà chẳng nghe tôi. Chắc cảnh vật nơi đây làm ông chán chường mệt mỏi phải không?
Tiếng cô gái bên tai, êm đềm như dỗ dành người khách phương xa:
- Ông biết không, nơi đây bây giờ trông hoang tàn thế này, chứ trước kia là một quân trường nổi tiếng đào tạo sĩ quan cho chế độ cũ đấy. Trường ấy tên là gì nhỉ. Để tôi nhớ lại coi. Phải rồi, đó là trường Đại học Chiến tranh chính trị. Ngày xưa nhà tôi cũng ở gần đây. Tôi thì chẳng biết gì về ngôi trường ấy cả, nhưng mà chị cả của tôi thì biết rõ lắm vì chị đã nhiều lần vào đây để dự dạ tiệc với một người sinh viên học ở trong trường. Ngày tôi mới lớn chị thường kể tôi nghe về những kỷ niệm đầu đời của chị.
Nhật giật mình ngồi ngay lên. Chàng thấy tim mình như rung động mạnh song vẫn cố giữ vẻ thản nhiên. Cô gái trước mặt chàng đã quen với một người của ngày xưa, người đã cùng chia sẻ những kỷ niệm với bọn chàng. Thấy Nhật có vẻ chú ý theo dõi câu chuyện, cô gái lại bùi ngùi kể tiếp.
- Ngày ấy chị tôi cứ chờ đợi mãi một người đã từ ngôi trường này ra đi và hứa với chị là sẽ trở về. Chị đợi chờ lâu lắm. Bao nhiêu năm tháng qua rồi, cha mẹ và các anh em tôi khuyên bảo mãi mà chị vẫn không nghe. Chị bảo với mẹ tôi rằng, anh ấy hứa sẽ trở về và chị tin anh ấy sẽ giữ tròn lời hứa. Chờ mãi cho đến khi tuổi xuân trôi theo năm tháng. Mà người ra đi thì mịt mù tăm cá. Cuối cùng chị xin tận hiến cuộc đời mình để giúp những người cùng khổ. Bây giờ chị tôi đang làm việc trong trại những người cùi ở Di linh. Đã bao nhiêu năm nay chị không về nữa. Gia đình tôi đã mấy lần lên thăm chị nhưng không được gặp. Nghe nói rằng hình như chị đã bắt đầu lây bệnh, nên cố tránh mặt mọi người.
Nhật thấy mồ hôi như ướt đẫm trên thân thể. Chàng linh tính thấy một điều gì, rõ ràng là gần gũi nhưng đớn đau xé nát tâm hồn. Nhật run rẩy trong cơn gió lạnh, cố gắng hỏi cô gái một câu, nhưng mong rằng cô bé sẽ chẳng trả lời.
- Thế... thế chị cô tên là gì nhỉ.., thưa cô.
- Kiều Loan.
Nhật thấy đôi môi mình nhạt đắng. Màu nắng chiều vàng vọt, thê lương. Chàng âu sầu bảo người con gái.
- Tôi chắc là ngươi sinh viên ngày xưa dù rất muốn cũng không thể làm được những điều mình đã hứa. Đấy cô coi, ngay cả đất nước và chính bản thân anh ta mà còn không giữ được, thì ta cũng thông cảm cho cái anh chàng sinh viên ngu ngơ ngày ấy, không giữ được những gì đã nói trong lúc con tim đang đập loạn cuồng. Nếu cô có dịp gặp lại chị cô thì xin thưa rằng:
- Người sinh viên ngày xưa xin được cảm thông và tha thứ. Và trong suốt cuộc đời còn lại, tôi chắc chắn rằng anh ta sẽ không bao giờ quên được những ngày Đà lạt, trốn phố rong chơi với một người con gái ngây thơ, có một nụ cười tươi như hoa hồng mới nở. Nụ cười hình như có cả hương thơm.
THẢO NGUYÊN
Nguồn:dalatdauyeu
DANH MỤC TIN
Sản phẩm nổi bật
Sản phẩm Giảm giá
Sản phẩm mới
Tin tức mới